Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 8,273
Truy cập hôm nay: 24,997
Lượt truy cập: 11,161,147
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Tìm hiểu: Họ là gì, Họ có từ bao giờ ở nước Việt

BÀI VIẾT ĐÃ ĐƯƠC ĐĂNG TRÊN BẢN TIN DÒNG HỌ VŨ-VÕ

PHƯƠNG NAM SỐ 17 (THÁNG 12/2019), TRANG 91-94 VÀ TẬP SAN KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP VIỆN LỊCH SỬ DÒNG HỌ (THÁNG 12-2023), TRANG 162.

TÌM HIỂU:

 

 

TÌM HIỂU HỌ LÀ GÌ, HỌ CÓ TỪ BAO GIỜ

Ở NƯỚC VIỆT

 

VŨ HIỆP (Lược khảo 2007)

UV.BCH. HĐDH.Vũ-Võ Phương Nam

Nhà nghiên cứu sử phả họ Vũ-Võ và Việt Nam.

ĐT: 08.9810.2570

 

         Trong khoảng nửa thế kỷ qua (1960-2010), nhiều người đã không nghiên cứu chuyên về Sử học và Việt sử, thường hiểu theo cảm quan, đồng thời ít hiểu biết Hán-Nôm học, đã cho rằng người Việt cổ bản địa cách đây vài nghìn năm đã có HỌ hay TỘC HỌ.

Dù cho “TÊN người” để gọi (minh danh) có từ thượng cổ, khi hình thành tổ chức gia đình và xã hội bộ tộc hay bộ lạc, của loài người bất cứ ở đâu trên thế giới, nhưng vấn đề HỌ hay TỘC HỌ, GIA TỘC là một yếu tố cao hơn trong nền văn hóa và văn minh của mỗi dân tộc; TÊN cá nhânkhông phải đã có từ thời nguyên thủy.

HỌ hay “tên gọi Gia tộc”: Dòng HỌ, TỘC HỌ giống như cái nhãn mác biểu tượng (logo) cho một tập thể con người (gia đình, họ hàng) có cùng chung một ông TỔchung một huyết thống, chung một tổ quán. Tuy nhiên, cũng có những cá nhân, gia đình cùng mang một HỌ với gia tộc, dòng họ khác mà không chung một vị Thủy Tổ, cũng không cùng một quê quán và huyết thống mà cũng có cùng “một tên gọi HỌ” như nhau.

Người Trung Hoa gọi HỌ là TÍNH hay Gia-Tính 家姓, xưa kia còn gọi là THỊ . Trong Tự điển và trong nghiên cứu Tộc HỌ Trung Quốc xưa nay, đã dùng tiếng đôi (từ ngữ kép) là TÍNH - THỊ 姓氏để chỉ ngành khảo cứu này là TÍNH THỊ HỌC. Giống như trong Anh ngữ thường dùng chữ "The Family-Name", và trong Pháp ngữ dùng chữ "Le Nom de Famille" để gọi từ "HỌ".

Đặc biệt, người Trung Quốc từ xưa đến nay không dùng chữ TỘC để gọi là HỌ, như người Việt thường dùng. Mà người ta thường dùng chữ TỘC để chỉ một số đông giống người hay loài sinh vật. Như: Hán tộc, Việt tộc, Mãn tộc, Mông tộc, Thái tộc, Tạng tộc...Còn ở loài vật thì gọi là Thủy tộc (chỉ chung những giống loài sống trong nước sông, hồ,biển), Ngư tộc (gọi chung hàng ngàn loại cá), Điểu tộc (gọi chung nhiều loài chim)...Nhưng ở người Việt chúng ta, từ ngàn năm qua, khi tiếp xúc với học thuật, chữ nghĩa của Hán tự, có thể có sự hiểu sai nghĩa (?) và cũng có thể cố ý khi mượn chữ Hán- Hoa, đọc và hiểu ra chữ Hán- Nôm (?) để tỏ rõ ý chí độc lập dân tộc và dị biệt với cách hiểu của “Người Bắc quốc đô hộ” (?). Nên ông cha, tổ tiên chúng ta ngang nhiên dùng từ ngữ :Nguyễn tộc, Lê tộc, Trần tộc, Phạm tộc, Vũ tộc, Hoàng tộc, Hồ tộc. Đoàn tộc v.v...đã làm người Trung Quốc lâu nay ngỡ ngàng (có nhiều từ Hán-Nôm, người Việt dùng khác nghĩa gốc của người Hoa). Trước và trong khi đó, người Hán Hoa hay người Trung Quốc, đã dùng từ ngữ: Lý tính, Trương tính, Vương tính, Lưu tính, Trần tính, Triệu tính, Chu tính, Dương tính, Hồ tính v.v..để gọi "HỌ của người Tàu" (Mà người Việt không dùng nhiều).

Đó là vài điều cơ bản cần thiết về lịch sử hình thành những Họ ở nước Việt ta trong quá khứ.Nó hơi khác với TÍNH THỊ của Trung Hoa xưa.Giới nghiên cứu đều thống nhất hệ thống TÊN HỌ của người Việt là mô phỏng hệ thống Tính thị của Văn hóa Trung Hoa qua thời gian giao thoa, tiếp diễn tương đối lâu dài. Khi nhà Hán, nhà Đông Ngô, nhà Tấn và nhà Tùy Đường xâm lược và thống trị nước ta và dân tộc Việt cổ ở Giao Chỉ- Giao Châu, từ thời Sĩ Nhiếp (187-226 sau Tây Lịch), đến đầu thế kỷ X (907) bắt đầu hình thành, phát triển Văn hóa Tộc Họ ở nước ta. (Nên nhớ: người ở phía Bắc Đèo Ngang thì dùng tiếng HỌ, còn người phía Nam trở vào lại quen nói TỘC như tộc Nguyễn, tộc Lê, tộc Phạm, tộc Trương, tộc Huỳnh...khác người phía Bắc).

CHỮ VÀ TIẾNG "HỌ" CỦA NGƯỜI VIỆT LÀ THUẦN NÔM, TỪ ĐÂU MÀ CÓ?

Xét theo chữ nghĩa tiếng HỌ của người Việt xưa để gọi chữ Tính và chữ Thị của người Tàu. Đã có một quá trình do ngôn ngữ bất đồng của "Kẻ thống trị đô hộ" và "Người bị đô hộ" trong giao tiếp. Qua quốc sử Đại Việt và sử Trung Quốc xưa, người ta thấy rõ: Dân tộc Việt của nước Âu Lạc, nước Văn Lang xa xưa, chưa biết TỘC HỌ (tính thị) là gì. Thậm chí dân Việt Giao Chỉ thời nước Nam Việt của Triệu Đà chiếm lĩnh ở cực Nam Trung Quốc (từ 207 đến 111 trước T.L), cũng chưa có Tính thị hay Gia tính như Hán Hoa đã có. Mãi đến khi nhà Đông Hán đô hộ dân ta và đất Giao Chỉ (năm 23 đến năm 220), bấy giờ Văn Hóa Tính Thị mới manh nha (nẩy mầm) ở Giao Chỉ Quận. Bắt đầu có một số ít người Việt bản địa, khi tiếp xúc và sống chung với chính quyền đô hộ Đông Hán đã bắt chước văn hóa của Bắc quốc thống trị lấy gia tính phổ thông nhất của người Hán lúc đó là LÝ TÍNH 李姓và TRƯƠNG TÍNH 張姓 để làm HỌ cho mình như các nhân vật LÝ CẦM, LÝ TIẾN, TRƯƠNG TRỌNG, là ba người Việt Giao Chỉ được cho du học ở Trung Quốc, Ba ông đã đỗ Hiếu- Liêm ở bên đó, rồi được làm quan tại nước Tàu thời bấy giờ (như Sử chép vậy). Còn trong hai thế kỷ đầu Tây Lịch (23-220), đa số người Việt cổ ta không hề có HỌ (gia tính) như các quan lại, tướng sĩ người Hán và những di dân từ Bắc quốc xuống. Mãi đến khi ông Sĩ Nhiếp mở trường dạy chữ Hán và văn hóa học thuật Lão, Nho của nước Tàu trong gần 40 năm (187-226) ở nước ta lúc đó, có một bộ phận người bản địa theo họchiểu biết văn minh, văn hóa Trung Quốc. Rồi số người Việt có chữ Hán này học đòi và phổ biến trong hạn hẹp ở cộng đồng người Việt ra cộng tác với guồng máy cai trị lúc đó. Phần lớn người Việt cổ bản địa đã bất hợp tác, bỏ vào rừng núi, vùng sâu, nẻo xa với thái độ đối kháng. Đến khi nhà Đông Hán tan rã (năm 220), thì có ba thế lực quân phiệt chia cắt Trung Quốc thành ba nước: Ngụy, Thục, Ngô mà sử Tàu gọi là “thời Tam Quốc” (220-280). Lúc đó, chính quyền nước Đông Ngô ở phía Nam Trung Quốc, đã có cơ hội xâm chiếm nước ta. Sử chép: Lữ Đại là quan Thứ sử đem quân sang tiêu diệt gia tộc Sĩ Nhiếp năm 230. Chúng đô hộ dân ta tàn bạo, khiến cho người Việt bản địa uất ức vùng lên chống khắp nơi.Nổi bật là nghĩa binh của Bà Triệu ở bắc quận Cửu Chân (nay là Thanh Hóa) nổi dậy đánh đuổi bọn quan quân nhà Ngô năm Mậu Tý (248).Nhưng bị quân Ngô đông đảo tiêu diệt ngay năm đó.Và từ bấy giờ trở đi bọn đô hộ Đông Ngôsiết chặt quản lý người dân Việt.Chúng bắt đầu ép buộc người bản địa phải mang các gia tính của người Tàu. Vì thực chất là một cuộc đồng hóa thâm độc, muốn người Việt phải thành người Trung Quốc, nên chúng ta đã ra lệnh: mỗi gia đình Việt phải mang một HỌ Tàu có sẵn (như LÝ, LÊ, TRƯƠNG , TRIỆU, LƯU, TÔN, HOÀNG-HUỲNH, DƯƠNG, TRẦN, NGÔ, ĐÀO, ĐẶNG, ĐỖ, ĐINH, TRỊNH ,NGUYỄN , VŨ-VÕ…). Họ lấy cớlập Sổ Đinh để báo cáo dân số Giao Châu cho “Thiên triều Đông Ngô” nắm rõ.

người Việt bản địa lúc đó phần lớn chỉ có TÊN nôm na của dân tộc và theo chế độ MẪU HỆ (phụ nữ, người mẹ làm chủ gia đình). Khác với nền Văn minh, Văn hóa Trung Quốc vốn theo chế độ PHỤ HỆ, có phong tục và văn hóa Tính thị người Cha làm chủ gia đình và có một gia tính riêng để phân biệt theo truyền thống. Đến thời Hán, người Trung Quốc đã có hơn 300 gia tính khác nhau.Bấy giờ, chính quyền Đông Ngô ở Giao Châu (nước ta lúc đó) đã hạ lệnh mỗi Nhà người Việt phải có gia tính khác nhau. Chúng bắt dân Việt có: LÝ HỘ, TRƯƠNG HỘ, TRIỆU HỘ, LƯU HỘ, TÔN HỘ… mà chữ HỘ chỉ có nghĩa là “Nhà cư trú cho một gia đình”. Bấy giờ, vì ngôn ngữ bất đồng (Hán và Việt) nên người Việt lúc đầu không hiểu chữ HỌ là ngôi nhà, nên đã quen nói theo cấu trúc tiếng Việt đảo ngược với tiếng Hán- Hoa và đã nói thành HỌ LÝ, HỌ TRƯƠNG, HỌ TRIỆU, HỌ LƯU, HỌ TÔN… như thế, chữ HỌ của tiếng Việt, là biến âm của chữ HỘ trong tiếng Hán mà ra. Lúc bấy giờ người Tàu đọc chữlà “HỤ” (âm ngữ Lạc Dương, Kinh đô nhà Hán), ta phát âm thành HỘ, HỌ.

 

Tóm lại, người Việt thời thượng cổ: nước Văn Lang lúc các VUA HÙNG, nước Âu Lạc thời An Dương Vương (-256-207 trước Tây lịch), nước Nam Việt của gia tộc Triệu Đà (-207 đến -111 trước T.L), thậm chí tới thời HAI BÀ TRƯNG (40-43 sau T.L), người Việt bản địa tuyệt đại đa số chưa có HỌ (gia tính) và không biết HỌ là gì. Phải đến thời Sĩ Nhiếp cai trị quận Giao Chỉ trong gần 40 năm (187-226), bấy giờ người Việt tiếp xúc với người Hán nhiều năm rồi mới biết đến HỌ là một ký hiệu đứng trước tên mỗi người, theo văn hóa Hán tộc. Và sau khi Bà Triệu khởi nghĩa (248) các quan lại Đông Ngô và chính quyền đô hộ Giao Châu khoảng từ năm 250 sau T.L trở đi đến lúc họ Tư Mã của nhà Tấn (285-420) thống nhất đất đai Tam quốc, dân ta bắt đầu bị đồng hóa theo văn hóa phong tục Bắc quốc. Chúng ép buộc mỗi người, mỗi gia đình Việt phải có HỌ (gia tính) như người Trung Quốc. Nhiều người Việt bản địa còn bị bọn cường hào và quan lại cai trị từ Trung Quốc di dân xuống, bắt làm nô lệ, gia nô, nô dịch của chúng phải mang “họ Tàu” (Trung Quốc Tính- Thị) của chủ nhân. Về sau, những  người Việt nô lệ đó, chính là các ông bà Tổ ban đầu của các Dòng họ hay Tộc họ (gia tính) ở Việt Nam, bắt đầu từ cuối thời Đông Ngô đến cuối thời nhà Đường (250-907), trải qua hơn 650 năm Văn hóa Dòng họ Việt mới thực sự hoàn thành vững chắc ở đất nước ta sau thời Họ Khúc dựng cơ nghiệp Tiết Độ sứ (906-923) và thời Vua NGÔ QUYỀN dựng cờ độc lập dân tộc (939). Nhiều HỌ của người Việt được du nhập từ Trung Quốc vào nước ta sau năm 960 đến đầu thế kỷ 20. Rồi sau ba thế hệ sống ở nước Việt, theo nguyên lý TAM ĐẠI THÀNH TỔ (qua 3 đời thành tổ quán ở Việt Nam) đã trở thành người Việt, do có Bà Nội, Mẹ và Vợ là người Việt như người Minh Hương ở Trung và Nam bộ, đến nhập cư từ giữa thế kỷ 17 tới thế kỷ 18, nay đã Việt hóa hoàn toàn. Cũng giống như Cụ Thủy tổ Họ Hồ (Hưng Dật) ở thế kỷ X, dòng họ Trịnh của Tổ Trịnh Hội và Trịnh Hoài Đức ở Huế và Nam bộ. Họ Trần của Tổ cụ Trần Lý (là ông nội Vua Trần Thái Tông 1225-1258), từ thế kỷ 11 đã từ Phúc Kiến (Trung Quốc) di cư vào nước ta đầu thời nhà Lý.

Từ lâu, các nhà nghiên cứu Việt sử cho rằng nhiều ông Thành Hoàng làng ở Đình, Miếu xã thôn Bắc bộ đã được truyền thuyết là họ Đỗ, họ Đặng, họ Đào, họ Phạm, họ Lê, họ Phan, họ Bùi, họ Trần, họ Nguyễn… xuất hiện từ thời Hồng Bàng Kinh Dương Vương, từ thời các vua Hùng, thời An Dương Vương, thời Hai Bà Trưng. Thực chất đó là huyền thoại, trong thần tích do người đời sau đã gán ghép khi chép Thần phả, Ngọc phả của những vị Thành Hoàng được thờ ở thôn xã xưa, trong lúc người Việt thời bấy giờ chưa hề có HỌ và không biết HỌ TỘC là gì. Thần phả không là chính sử nên khó tin vì sử dụng huyền thoại, hoang đường. Trừ các Ngọc phả- Thần tích của các nhân vật có từ vua Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương… thế kỷ thứ 6 trở đi, tới cuối thế kỷ 19 thì đáng tin một phần về HỌ và TÊN.

                                                                                       VH

Người đăng: admin