Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 738
Truy cập hôm nay: 843
Lượt truy cập: 11,069,000
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
VĂN CHỈ LÀNG MỘ TRẠCH THỜI XƯA (HẢI DƯƠNG) THỜ PHỤNG VÀ TÔN VINH BAO NHIÊU TIÊN DANH NHO Sưu khảo của Vũ Hiệp

 

VĂN CHỈ LÀNG MỘ TRẠCH THỜI XƯA (HẢI DƯƠNG)
THỜ PHỤNG VÀ TÔN VINH BAO NHIÊU TIÊN DANH NHO

Sưu khảo của Vũ Hiệp

 

Làng Mộ Trạch xưa thuộc Tổng Thì Cử (đời Tự Đức vì  kị huý Vua đổi thành Tuyển Cử  1848), ở huyện Đường An (kị huý gọi là Năng An), Phủ Bình Giang, trấn Hải Dương (Đời Trần Hồ trở về trước gọi là Hồng Lộ hay Hồng Châu). Nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Nhưng thôn dân quanh đó và các người lớn tuổi trong làng quen miệng theo truyền thống từ ngàn xưa để lại, nói là: Làng Chằm hay Chằm Thượng, Chằm Trạch.

Đây là một làng có sự tích rõ ràng được thành lập cách đây 1163 năm (844 – 2007) do một nhân vật lịch sử có thật là quan Kinh Lược Sứ thời Nhà Đường đô hộ Giao Châu – An Nam phủ, tên là Vũ Hồn, sinh ngày 8 tháng giêng, năm Giáp Thân (khoảng tháng 2 Dương lịch, 804) ở Hồng Châu, Nam Sách (Hải Dương nay). Ông có Mẹ vị quan Kinh Lược Sứ này là cụ bà Nguyễn Thị Đức, quê thật ở Kiệt Đặc, Chí Linh, sống ở Hương Man Nhuế (sinh ra cụ Vũ Hồn ở gần Đống Dờm (Rờm?), lúc đó đang mở quán bán nước chè để trông coi ngôi mộ táng treo bố chồng tại Gò Kim Tinh quí địa, theo như truyền thuyết dân gian sở tại trước năm 1930). Chồng cu bà là cụ ông Vũ Huy, một nhà Nho chuyên về khoa phong thuỷ (địa lý Kham Dư) đến nước ta khỏang năm 802?

Vậy là cụ Vũ Hồn sinh ra ở nước Nam, rồi đi học bên Tàu, giỏi Nho học, có khoa bảng (chứ không là Tiến Sĩ), nên được Vua Đường Vũ Tông, bổ nhiệm. Sau đó, ông bỏ nhiệm về Quảng Châu, vì quân lính nhà Đường nổi loạn, rồi xin từ quan và trở lại quê Mẹ phụng dưỡng bà thân mẫu. Quốc sử Tàu (Đường Thư) và Quốc sử Ta (Đại Việt sử lược, Đại Việt Sử ký toàn thư) đều chép rõ về nhân vật Vũ Hồn. Theo các nhà nghiên cứu nhận xét: Vũ Hồn là người Việt, có Mẹ Việt và chào đời trên đất Việt. Năm Giáp Tí (844), ông chọn đất Chằm Trạch  (nơi đất trũng, nhiều đầm ao, ngòi, rạch nước) còn hoang sơ làm nơi nhập cư lâu dài, khai hoang lập ấp, chiêu mộ dân chúng quanh đó về ở. Mở ra ấp Khả Mộ (có tư liệu đời Trần còn gọi là Ấp Hồn và thôn Trạch Ổ). Là người có trình độ học thức cao, tương truyền cụ Vũ Hồn có mở lớp dạy Nho học tại Thôn Tây (còn gọi là xóm Đòai) gần đó để giáo hoá thanh niên sở tại.

Ngày Mồng Ba, tháng chạp, năm Quí Dậu (khoảng tháng 1/854) cụ Vũ Hồn không bệnh mà hóa (theo Ngọc Phả), thọ có 49 tuổi. Dân địa phương và con cái, môn đệ, gia nô đã tang lễ trọng thể an táng ở phiá Bắc ấp này, với lòng thương tiếc! Về sau, cụ bà Vũ Hồn cũng mất, được song táng tại khu Mã Thần. Nay, hơn 1150 năm, vẫn còn lăng mộ. Có giả thuyết cho rằng: Dân ấp khả Mộ thương mến, quý trọng Cụ, đã tự nguyện lấy họ Vũ của ông làm Họ Tộc của cả ấp. Họ Vũ xuất hiện ở nước ta theo chính sử, truyền ngôn và gia phả các nơi, coi ông là Thuỷ Tổ họ Vũ nước Nam từ bao đời nay.

Nhân dân Khả Mộ ban đầu thờ Ngài Vũ Hồn như thờ 1 vị Tổ đầu tiên dòng họ Vũ thôi. Đến đời Trần (1225 – 1400), Nho học bắt đầu thịnh, phong tục thờ Thành Hoàng bắt đầu có ở nước Đại Việt. Triều Trần cho phép lập Đình, Miếu ở các thôn, xã (đời Lý chưa có Miếu, Đình chỉ có Chùa thờ Phật). Người thôn Khả Mộ bắt đầu có Nho học cao, được bộ Việt Sử công nhận có 2 anh em ông Vũ Nghiêu Tá và Vũ Nông (Hán Bi) đỗ Thái Học Sinh năm 1304. Có lẽ, từ triều Trần, dân làng đổi tên cũ –Khả Mộ ra Mộ trạch (dân gian địa phương còn gọi là Hồn Thôn hay làng Hồn), xây Miếu, Đình thờ Tổ Vũ Hồn làm Thành Hoàng làng (Phúc thần): Lâu Đài Cư Sĩ Đại Vương. Từ đó, dân làng gọi Ngài là Thần Thuỷ Tổ hay Thần Tổ (vừa là Phúc Thần, vừa là Vị Tổ đầu tiên lập ra làng Chằm thượng (Mộ Trạch). Trong hơn nghìn năm nay người Mộ Trạch đã thờ ông Vũ Hồn trong 2 ngày: Ngày 3 tháng chạp là ngày Giỗ Tổ và ngày 8 tháng Giêng là ngày sinh . Nhưng từ đời Lê Sơ, mới chọn mồng 8 giêng là ngày lễ hội làng Kỳ Phúc (vào Đám – rước Thành hòang), cũng chính là kỷ niệm ngày sinh của Ngài. Cho hợp với phong tục Lễ Hội Mùa Xuân của các làng xã Việt Nam thưở xưa, đồng thời đạo Nho qui định 1 năm có 2 mùa để tế lễ thần thánh: Xuân – thu nhị kỳ.

Làng Mộ Trạch, từ đời Trần đến năm 1919, là một làng Nho học và xuất thân rất nhiều Nho sĩ khoa Bảng từ Thời Lê Sơ (1428 – 1527), thời Mạc (1527 – 1592) và Hậu Lê (1593 – 1788). Cả thảy có 33 Tiến Sĩ và gần một trăm Hương Cống (đều làm quan lớn và nhỏ ) với hơn trăm Nho sinh tập Ấm (con các quan, có học, được làm quan), cùng các Vị đỗ Khoa Thư Toán, Văn từ - hàn, Bạt Cử, Sĩ Vọng có tới mấy trăm ông. Chưa kể có 2 phụ nữ là Bà Lê Thị Oanh là 1 nữ Nho Gia tài giỏi và Bà Nhữ Thị Nhuận, được chức Quận Quế phu nhân (còn được thờ làm Hậu Thần, như Tiến sĩ Vũ Huy Đĩnh về sau). Tính ra, trong 600 năm, làng Mộ trạch phải có vài ngàn Nho sĩ (từ 1304 – 1915).

Gần đây, sau 1990, trong phong trào “về nguồn”, nhiều làng, nhiều Dòng Họ trong nước đua nhau phục hồi tâm linh thờ Thành Hoàng và Tổ Tiên thì làng Mộ Trạch được coi như Trung Tâm Điểm nguồn gốc họ Vũ, Võ cả nước. Khắp nơi và dân làng hội tụ chấn hưng di tích Miếu, Đình, Chùa. Nhất là Miếu “Tối Linh Từ” được trùng tu khang trang do Công đức “Thập phương Vũ Võ tộc” cùng bà con Mộ Trạch xa gần, đóng góp tiền của khá lớn. Hàng năm, như một ngày hội lớn của họ Vũ, Võ bốn phương đổ về dự lễ: Mồng 8 tháng Giêng rất đông vui và trọng thể. Đây là họat động nhằm duy trì “thuần phong mỹ tục” trong đời sống văn hóa dòng họ Việt Nam, một phần của truyền thống văn hóa và tín ngưỡng dân gian ở đồng bằng Bắc Bộ - Cái nôi văn minh cổ Đại Việt.

Làng Mộ Trạch, từng được vinh danh là  “Tiến Sĩ Sào” (có thể hiểu nghĩa đen là: Cái nôi (ổ) ấp nở ra các ông tiến sĩ, hay sào huyệt của các ông Nghè). Không nên dịch là “Lò Tiến Sĩ” hay “Làng Tiến Sĩ”. Tiếng Việt xưa nay chỉ có Lò dạy võ, lò, gốm, lò, gạch, lò vôi…chứ không ai nói: lò văn chương, lò tiến sĩ? Chữ “lò” thường được coi là dung tục và tầm thường. Cổ nhân xưa không kiêu ngạo, hãnh tiến tự nhận làng mình là “làng tiến sĩ” bao giờ đâu. Văn hóa Nho gia là khiêm tốn và lễ giáo, chẳng ai dám  “Mục Hạ Vô nhân” mà tự xưng như vậy! Các cụ có tự hào của làng Mộ trạch, nhưng gán câu chữ “Tiến sĩ sào” là do 1 người cháu 17 đời của Cao Biền nhận định thế (dù rằng ai mà có thể kiểm chứng được?). Cổ nhân Mộ Trạch rất tế nhị, chỉ tự hào khiêm tốn rằng: “làng tôi nhỏ bé như tổ chim, nhưng đã ấp nở ra nhiều tiến sĩ, chứ đâu phải cả làng đều đỗ tiến sĩ, (cũng như tổ chim , ổ gà lúc ấp, còn có trứng nở, trứng hỏng).

Từ xa xưa, thời Nguyễn, các Nho gia đã căn cứ vào sử sách của tổ tiên sống thời Hậu Lê là cụ Vũ Phương Lan (Lan Am tiên sinh, chi ba, đời 15, sinh năm 1714 Giáp Ngọ) đã cùng 3 cụ: Vũ Công Trọng (Huệ Hiên 1704-1770, phái Đinh, đời 8), Vũ Tông Hải (tự bao Như, phái Kỷ, đời 10, sinh năm 1718 Mậu Tuất, chỉ đỗ tam trường là nho sinh) và tiến sĩ Vũ Huy Đĩnh (1730-1789, tự Di Hiên phái Kỷ, đời 10) cùng soạn lại danh sách Nho gia tiên Hiền của Mộ Trạch xã gọi là “Đinh Từ Tự Điển Lục” (sách qui định phép thờ cúng vào ngày Đinh  tháng Giêng, tháng Tám ở Văn Chỉ của làng). Bốn nhà Nho họ Vũ làng Chằm Thượng đã viết xong vào tháng hai trong mùa xuân, năm Cảnh Hưng thứ 31, Canh Dần (1770) 1 bản thống kê tên các Tiên Nho đời Trần, Hồ, Lê Sơ (1225-1527)và đời Mạc, Hậu Lê 1527-1770 của quê hương các cụ để đưa vào bia đá vào nội dung bài văn tế ở văn chỉ của làng Mộ Trạch thờ cùng Khổng Phu Tử, Tứ Phối (4 thánh nho), thập triết (10 nho gia lỗi lạc môn đệ Khổng Tử)…Danh sách năm 1770, có 276 vị Đại Khoa, Trung Khoa, cùng các cụ có công truyền bá Nho học trong làng Mộ Trạch khỏang 500 năm (1270-1770).

Chúng tôi nhận thấy danh sách: “Bản Xã Hòang Bảng Chư Tiên Triết” = “Các vị Hiền Triết đời trước ở bảng Vàng (Đỗ Đạt) của Làng ta”, chỉ ghi nhận chính thức có 29 ông đỗ tiến sĩ và 4 cụ đại học sĩ (bỏ ông tiến sĩ Nguyễn Thường Thịnh vì quê ở làng Hạ-Nhuận Đông, bỏ ông Nghè Vũ Đức Lâm quê ở Hà Xá, bỏ cụ Vũ Ứng Khang, Vũ Thân Trinh, không có tên cụ Vũ Vị Phủ, vì chỉ là khoa Tam Giáo. Bỏ cụ Lê cảnh Tuân vì chỉ đỗ Hương Cống). Như thế, người đời nay dù là gốc quê Mộ Trạch, như ông Vũ Huy Phú, Vũ Thúy, Vũ Đình Triều…đã nhầm lẫn, tự ý thêm bớt mà thiếu nghiên cứu và tham khảo ở tư liệu quí và chính thức của làng Mộ Trạch công nhận danh sách Đại khoa (Hoàng Bảng) trong phần “Đinh Từ Tự Điển” của sách: “Cổ Lệ Tham Định” (Tục lệ cũ được qui định rõ từ đời xưa) chỉ có 33 ông mà thôi! Sách này giống như 1 bản Hiến pháp nhỏ hay 1 bộ luật lệ riêng  về sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, nghĩa vụ thôn dân và phép tắc trong làng, trong Đình của xã Mộ Trạch thuở xưa.

 Ngày nay, chúng ta không thể cãi lý được với bản “Đinh Từ Tự Điển (Lục)” do Hội Đồng Khoa Mục Chức Sắc xã Mộ Trạch soạn thảo cách đây 227 năm, “ngày tốt, tháng 2, năm Canh Dần (1770) đời vua Lê Cảnh Hưng thứ 31” (do 3 cụ Nho Học lớn cùng biên tập theo sách cũ để lại và Điển lệ của làng sẵn có và được ông Tiến Sĩ Vũ Huy Đĩnh xem lại (xem có sai sót gì không?). Vào thời Tự Đức (1856), thời Thành Thái (1890) tiếp tục bổ sung. Chúng tôi rất tiếc suốt 20 năm qua  (1987 – 2006), tài liệu quí ở ngay trong làng này còn giữ ở nhiều tư gia. Do cụ cả Vũ Đình Điềm và cụ cả Vũ Hoằng Nghị là 2 vị túc Nho trong số các cụ có Nho học cuối cùng của quê ta Mộ Trạch đã ý thức dịch ra quốc ngữ từ 1951 – 1954. Trong và sau thời Cải Cách ruộng đất (1953 – 1956) nhiều tư liệu thất lạc, bị tiêu hủy hoặc được cất giấu đi. Rồi thời thế và kinh tế nông thôn gia đình suy giảm, (1960 – 1985),cuộc sống khó khăn mấy ai quan tâm được với văn hóa truyền thống được nữa!

May sao, từ 1987 đến 2004, có 1 phong trào “Trở Về Nguồn” nhiều làng xã phục hưng lễ hội, thờ cúng Thành Hoàng, Tiên Tổ, tu tạo di tích Đình, Miếu, Từ Đường, Lăng Mộ, phục chế Tộc phả, Gia phả. Làng Mộ Trạch được coi như 1 làng Cổ văn hóa Khoa bảng Nho Học đã sớm tái lập Đình, Miếu, Chùa, Từ Đường các Họ hơn nhiều nơi khác. Lại là nơi tương truyền phát tích họ Vũ, Võ nước Việt ta xưa, nên thu hút tâm linh nhiều họ Vũ, Võ cả nước qui tụ chiêm bái nguồn xưa gốc cũ. Do đó, văn hóa Mộ Trạch nói chung và văn hóa họ Vũ nói riêng ngày càng phát triển.

Chính vì thế, đã có một số con em là người Mộ Trạch, tương đối trẻ, có học vấn tốt hay ý thức cao như anh Vũ Huy Thuận, chị Vũ Thị Thành, anh Vũ Huy Căn, Vũ Quốc Ái…cùng các cụ, các ông có tuổi như cụ Vũ Thúy, Vũ Đình Triều, Đình Chung, Vũ Đăng Trứ, cụ Phu, cụ Tình… Mỗi người một tâm huyết và khả năng riêng. Các vị này đã góp công sức chấn hưng văn hóa truyền thống Mộ Trạch trong nhiều năm qua cùng 1 số bà con trong làng, và Ban liên lạc họ Vũ, Võ ở Hà Nội. Ngày nay, bộ mặt cảnh quang miếu, đình, chùa làng đã khá khang trang.

Tuy nhiên, cần nghiêm túc nhận thấy rằng, kiến thức lịch sử và văn hóa nơi đây vẫn còn hạn chế và rời rạc. Nguyên nhân là số người đọc hiếu Hán tự không còn nhiều mà các cụ đọc được chữ Nho lại không quen việc nghiên cứu văn hóa cổ và lịch sử làng còn chưa mang tính hệ thống. Cũng có thể các cụ thường ngại góp ý? Biết cũng không nói, sợ va chạm? Đành nhờ các cụ, các ông có “chữ nghĩa” ở BLL họ Vũ, Võ tại Hà Nội về, đưa ra các ý kiến (đa số là trùng tu, xây dựng, xin chữ, cho câu đối, viết văn bia…) góp cho làng ít nhiều. Có vấn đề được đa số đồng tình, nhưng cũng có việc chưa được thuận lắm.

Riêng mặt địa chí (Monsgraphie) và văn hóa cổ truyền (la culture traditionnel) của làng Mộ trạch có 2 ông Phú và Triều đã viết. Cũng là những tài liệu có giá trị nhất định. Nhưng phần nhiều còn dực trên cảm quan và hồi ức. Trong khi kho tàng văn hiến Mộ Trạch còn nằm nhiều trong tập gia phả các Chi, Phái (ngoài bộ: Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích) và trong bản Hương ước Hương lệ, trong sách “Tham Lệ Cổ Định” cùng 1 số sách chữ Hán quý viết về Mộ trạch xưa, tiền nhân xưa còn lưu trữ đâu đó trong làng. Mới đây ông Vũ Đăng Trứ và anh Vũ Huy Thuận, anh Căn, chị Sa… đã hỏi han, đi tìm lại một số tư liệu quí ở trong tư gia người làng. Anh Thuận đã đưa tôi xem và nhờ nghiên cứu, khai thác một số tài liệu quý.

Tôi là một người họ Vũ quê ở Thanh Oai, Hà Đông - Hà Tây. Nay đang ở TP.HCM (từ năm 1955 đến nay). Tôi đã về thăm Mộ trạch khỏang 4, 5 lần. Mới đây, tháng 5/2006, cùng anh Thuận về 3 ngày đêm ở làng này, trong chương trình du khảo các làng họ Vũ, Võ ở cả nước. Tôi đã quan tâm đến lược sử danh nhân khoa bảng làng Mộ Trạch thời xưa, từ 20 năm qua và đã tham gia trong Ban Liên Lạc họ Vũ, Võ phía Nam và TpHCM, đã biên khảo 1 số bài về nhân vật Vũ Hồn, vị thủy tổ họ Vũ, Võ Việt Nam và các nhà khoa bảng họ Vũ, Võ xưa trong cả nước.

Tôi đã quen biết ông Vũ Đình Triều, Vũ Đình Chung nhiều năm qua. Ông Triều có giúp tôi nhiều tư liệu gia phả, Ngũ Chi Bát Phái của Mộ Trạch xưa. Nhưng thú thật tôi cũng chưa biết nhiều về văn hóa Mộ Trạch 1 cách hệ thống.

Gần đây, từ năm 2005, gặp anh Vũ Huy Thuận người thông Mộ Trạch. Anh còn trẻ (khỏang 50 tuổi), nhưng tôi thấy anh ấy say mê văn hóa Mộ Trạch và nhiệt tâm, yêu quê hương Mộ Trạch cũng như ông Vũ Đình Triều. Điểm khác biệt là anh có những tư duy về dòng họ Vũ và tổ tiên thông thóang hơn. Anh chịu học hỏi và tìm tòi 1 cách khoa học nên tôi cộng tác với anh nghiên cứu lịch sử Vũ, Võ và văn hóa Mộ Trạch nên được 1 số bà con giúp anh sưu tầm sách xưa của làng có giá trị. Tôi có cố vấn cho anh Thuận một số điều trong phạm vi hiểu biết nho nhỏ về văn hóa cổ Mộ Trạch và giúp anh về chữ Nho trong các tư liệu cổ mà anh thu thập được.

Anh Thuận là cháu nội một bậc kỳ lão túc nho ở Mộ Trạch trước năm 1955: cụ Vũ Hoằng Nghị (cùng thời với cụ Vũ Đình Điềm, cũng là một nhà  nho uyên bác về gia phả họ Vũ và địa chí, văn hóa làng Chằm). Cụ Hoằng Nghị (1896-1955) có công lớn đối với phái Kỷ họ Vũ và làng mộ trạch, vì đã dịch quốc ngữ cả nghìn trang gia phả, Thần Tích Ngọc Phả, Hương Lê…mà tôi mới được đọc có 1 phần nhỏ đã thấy cụ có ý thức văn hóa, cao kiến, thức thời trong lúc Hán học suy tàn. Xin vinh danh công sức dịch thuật của cụ.

Mới hai, ba tháng nay (từ tháng 3 đến tháng 5/2007) anh Thuận đưa tôi cuốn : “Cổ Lệ Tham Định” của tiền nhân Mộ Trạch soạn ra bằng chữ Nho, do cụ Hoằng Nghị dịch ra quốc ngữ từ năm Quý Tỵ (1953), mới tìm lại được trong làng. Đọc xong, tôi vô cùng thích thú và ngạc nhiên. Từ hơn 200 năm trước, các cụ xưa làng Mộ Trạch đã minh danh có 4 vị đại học sĩ và 29 ông Nghè, tổng số 33 vị. Vậy mà đời nay, nhiều người ở trong và ngoài làng Mộ Trạch không hiểu dựa vào những nguồn tư liệu nào mà đưa ra con số hơn 33 vị. Trong đó có cả tôi. Tôi cũng đã tin ở sách của nhóm Ngô Đức Thọ soạn về “Các Nhà Khoa Bảng Nho Học Việt Nam”. Đồng thời tin ở sách của ông Vũ Huy Phú (1990) viết về các ông Nghè Mộ Trạch và tư liệu của ông Vũ Đình Triều… tất cả đều không khớp với số liệu trong “Xuân Diên Tự Điển” và “Đinh Từ Tự Điển” vốn có từ lâu của làng Mộ Trạch. Điều này đặt ra vấn đề cần có tư tư liệu bổ sung để minh định tính sát thực của sử liệu: Làng (xã) Mộ Trạch có bao nhiêu tiến sĩ, hương cống ( cử nhân), tú tài (Nho Sinh) là những ai, độ xác thực của từng nguồn sử liệu?

Theo chúng tôi, khi khảo cứu “Cổ lệ Tham Định”, đặc biệt trong phần “Xuân Diên Tự Điển” và “Đinh Từ Tự Điển”, chúng tôi đã thấy rõ: Ngòai bốn vị tiến hiền đỗ Thái học sinh (Đại khoa, có người nói tương tương tiến sĩ), làng Mộ Trạch xưa chỉ có 29 ông tiến sĩ từ năm 1463-1754 (từ cụ Vũ Hữu đến cụ Vũ Huy Đĩnh) cùng 360 nho gia (trong tổng số ngót một nghìn nho sĩ của Mộ Trạch, suốt 600 năm nghiên bút chữ Thánh hiền) có công truyền bá, nuôi dạy con cháu theo nho học được thành danh phận. Những vị Nho gia đó được nhân dân Mộ trạch tôn thờ ở Văn Chỉ và tôn vinh trong bài Văn tế Thần tổ hàng năm ở Miếu đình “làng Khoa Hoạn” này trong nhiều năm, trước năm 1945 và sau 1990? Điều này chỉ có các cụ trong ban nghi lễ, thủ từ hiện nay mới rõ thôi.

Vậy công việc của tôi là xin chép lại nguyên văn trong 2 tập “Tự Điển” =(qui định thờ phụng), rồi chú giải và minh danh (làm rõ họ tên các nho gia xưa) các cụ đó là ai? Chi, phái nào? Đời thứ mấy? năm nào? Chứ cứ để nguyên tác duệ hiệu và quan chức xưa của các cụ mà kiêng tránh nêu tên, lý lịch các cụ theo lối xưa thì đời nay và mai sau, không ai hiểu rõ và biết tổ tiên ấy là ai? Mặc dù, cụ Cả Nghị đã chú giải họ tên 60% các cụ được tôn thờ rồi, nhưng còn 40% chưa rõ tên gì? Và còn thiếu sót 1 số chi tiết cần bổ sung có sáng tỏ.

Rõ ràng, đời xưa trong sáu thế kỷ nho học (1304-1945) làng Mộ Trạch được vinh danh là làng khoa bảng đóng góp nhiều nhân tài ra làm quan văn võ, các nhà giáo dục, các vị danh y, các nhà thờ, nhà văn…Không phải chỉ nhờ danh tiếng của 33 vị đại khoa, mà còn do hơn 300 các Nho gia khác nữa, làm rạng danh Mộ trạch.

Nếu không tham khảo cổ thư đó, ít ai biết rõ mấy trăm vị tiên hiền hậu hiến của làng này họ tên gì? Duệ hiệu gì? Chi, phái nào?

Cổ lệ Tham Định” thật là một tư liệu quý giá còn lưu trữ hiếm hoi ở Mộ Trạch đầu thế kỷ 21. Thiết nghĩ, nếu không sao chép bổ sung và dịch nghĩa rõ ràng thì chỉ trừ các cụ nho học xưa biết thôi, chứ lớp hậu sinh không được chỉ dẫn thì cũng chả hiểu được. Không riêng lớp hậu duệ trong ngòai làng, ngay cả những người nghiên cứu, du khách cũng sẽ gặp khó khăn, vì hàng trăm tiên công nho gia đó, tên thật là gì? Ai biết hết nổi? Nay tôi cố gắng sưu khảo và làm rõ, nhưng cũng chỉ ở mức mức sở kiến, sở học.

VH-2007

Người đăng: huythuan