Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 723
Truy cập hôm nay: 689
Lượt truy cập: 11,068,846
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Lối đi nào cho Phả học

LỐI ĐI NÀO CHO PHẢ HỌC?

Trong những năm gần đây, dân ở khắp nơi đua nhau làm gia phả. Cuộc sống bắt đầu có chút dư dật, người ta quan tâm hơn đến phần mộ tổ tiên. Sống vì mồ vì mả, ai sống vì cả bát cơm.  Rồi bàn thờ, các cuộc tế lễ, xây nhà thờ họ, truy tìm anh em đồng tông đồng tộc… thế là phải tìm đọc gia phả, viết lại gia phả.

Ở nước ta có bao nhiêu họ ? Chưa ai biết đích xác. Người bảo hơn 300, người bảo hơn 900, lại có người bảo hơn một nghìn (!) Tựu trung, đa số dân mang những họ lớn như Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Vũ… Trong Trần thì có Trần Văn, Trần Trung, Trần Hữu… Một ông tên là Trần Hữu A thì có thể ông là người thuộc dòng họ Trần Hữu ở xã nào, huyện nào đó nhưng có thể ông chẳng thuộc một dòng họ Trần Hữu nào cả, đến đời con ông là B ông lại đặt tên cho con ông là Trần Văn B, Trần Hiến D hoặc chỉ là Trần C gọn thon hơn. Ông Trần Hữu A đích thị là người của dòng họ Trần Hữu ở thôn X, xã Z, huyện Y nhưng họ Trần Hữu trước ông chỉ có năm hay bảy đời, trước đó cụ tổ nhà ông mang họ Phạm, nguyên từ tỉnh T, vì mắc tội với triều đình phải lánh nạn về tỉnh K và thay tên đổi họ. Các dòng họ cứ đan xen nhau như vậy, qua hàng nghìn năm hoặc vài trăm năm, tạo thành một bức tranh cực kỳ hỗn độn nhưng cũng lấp lánh rất nhiều màu sắc. Những người đi truy tìm dòng họ thì ù đầu vì sự rối rắm và mờ mịt, còn các nhà khoa học thì lại thích thú vì thấy ở đó có nhiều bổ sung về sử học, dân tộc học, văn học, tôn giáo… Những người đi tìm dòng họ được thúc đẩy bởi nhu cầu tâm linh, họ sẵn sàng bỏ công bỏ của, của nhà hoặc của quyên góp bà con trong họ, nhưng công cụ và vốn kiến thức của họ chẳng có được bao nhiêu. Các nhà khoa học thì thích làm khoa học, họ có biết một ít cách thức làm việc, họ lại biết một ít chữ Hán, người biết chữ Hán bây giờ càng ngày càng hiếm, nhưng họ lại chẳng chịu uống nước lã hoặc bỏ tiền nhà ra mà làm việc. Vậy nên họ đứng ra kêu gọi Nhà nước và các nhà hảo tâm. Chưa có kinh phí hảo tâm, họ đành bó tay.
Cùng nhìn vào một đối tượng, nhưng các nhà khoa học và những người có tâm ở các dòng họ rất ít khi nói chuyện được với nhau. Gia phả được viết ra từ các dòng họ nhiều khi lấy tâm linh mà thay cho khoa học. Ai mà chẳng lấy làm sung sướng khi một ngày đẹp trời ngộ ra rằng cụ tổ mình là vua, là quan đại thần, là trạng nguyên, tiến sĩ…, dòng họ mình có những người oai danh, hiển hách. Thế nên tất cả những người họ Vũ đều có gốc ở Mộ Trạch, đều là con cháu Vũ Hồn, ông quan Tiết độ sứ đời nhà Đường. Thế nên cứ ai họ Đặng thì đều có gốc Trần, là con cháu của đức Trần Hưng Đạo… (theo một lời giải thích).
Cho đến nay, riêng ở thành phố Hà Nội đã có ít ra là ba bốn Trung tâm phả học ra đời với sự tham gia của nhiều nhà khoa học danh tiếng đầu ngành. Nhưng nền phả học nước ta chưa hề có một công trình nào đáng kể ngoại trừ công trình của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ. Cuốn Gia phả - khảo luận và thực hành  của Dã Lan được xuất bản ở Sài Gòn năm 1960. Nguyễn Đức Dụ quê ở tỉnh Bắc Ninh, có lẽ vì lòng nhớ quê hương và bi phẫn dưới chế độ Mỹ - Diệm mà viết nên công trình đó chăng, cũng giống như nhà văn Vũ Bằng vì nhớ vợ,  nhớ Hà Nội mà viết nên quyển Thương nhớ mười hai  vậy.
Nhìn ra thế giới, rất nhiều nước đã có hội Phả học, có các viện nghiên cứu phả học. Họ cho ra đời rất nhiều công trình có giá trị, tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn. Năm 1991 một cuộc Hội nghị tộc phả học thế giới  được tổ chức ở Seoul, Hàn Quốc với sự tham gia của các học giả đại diện cho hơn 180 nước, Việt Nam ta không có người tham dự chính thức. Các học giả của chúng ta lấy làm đau lòng vì điều này lắm. Ai cũng biết rằng phát triển  ngành phả học ở nước ta là việc cấp thiết và có rất nhiều điều hấp dẫn đang chờ đón. Nhưng phát triển nó như thế nào, phát triển được tới đâu thì chẳng mấy ai biết. Bàn nhau chán, hô hào nhau chán, người ta lại quay về vấn đề  đầu tiên.
Thiết nghĩ, tiền là điều hết sức cần thiết và quan trọng, nhưng cái chính là chưa ai coi Phả học là một môn khoa học thực sự nghiêm túc đáng để mình bỏ tâm huyết, cuộc đời của mình vào, gắn bó cùng với nó.
HNMNguồn tin: Báo Hànội mới điện tử http://www.hanoimoi.com.vn 
Người đăng: admin