Bảo vật họ Võ ở Lý Sơn
SGTT Xuân 2013 - Trong các dòng họ tiền hiền ở đảo Lý Sơn, họ Võ là dòng họ đầu tiên đưa binh phu đi Hoàng Sa, được cả hai triều Tây Sơn và Nguyễn trọng dụng, được phong tước "hầu" - cao nhất so với các họ khác ở đây. Dòng họ này hiện còn lưu giữ tờ lệnh của vua Gia Long sai đi Hoàng Sa năm 1786 và xem đó là một bảo vật của tộc họ.
Long đong một sắc lệnh
Ông Võ Văn Út và tài liệu liên quan đến dòng họ Võ.
|
Cầm trên tay nhiều tài liệu quý liên quan đến tộc họ và các sắc lệnh của hai triều Tây Sơn và nhà Nguyễn về việc chấn chỉnh, tuyển mộ và đưa binh phu đi Hoàng Sa, ông Võ Văn Út (54 tuổi) ở thôn Tây, thôn An Vĩnh (Lý Sơn) bảo: "Ngày trước, muốn đọc các tài liệu này, họ Võ phải họp tại nhà thờ cụ Võ Văn Khiết, sau đó thắp hương khấn vái, đánh trống trang trọng rồi mới mở ra đọc. Làm vậy để thể hiện tôn kính vong linh tổ họ Võ trên đảo, vừa bảo quản để tránh thất lạc. Sở dĩ phải cẩn thận như thế, vì có nguyên nhân sâu xa của nó..."
Ấy là vào năm 1979, do sai lầm một thời, văn tự ở nhiều đền miếu bị huỷ đi, thế nhưng nhiều dòng họ của đảo Lý Sơn vẫn giấu được sắc lệnh vua ban liên quan đến việc ra đi thiết lập chủ quyền và giữ gìn biển đảo ở Hoàng Sa. Còn tờ lệnh của Thái phó tổng lý quản binh dân chư vụ Thượng tướng công, năm Thái Đức thứ 9 (đời Nguyễn Nhạc), ngày 14.2.1786 nhà Tây Sơn lệnh cho ông Võ Văn Khiết đưa binh phu đi Hoàng Sa thu lượm hoá vật thì bị mất bản gốc. Theo ông Út, hồi đó có ông Diệp Định Hoa (viện Hán Nôm) và ông Trần Văn Cầu (viện Khảo cổ học) được chính quyền đưa đến tộc họ Võ để "mượn" tờ lệnh nghiên cứu. "Nói thiệt, chính quyền đưa người đến thì ai mà không đưa ra. Mấy ổng nói là, sau khi nghiên cứu xong sẽ trả lại bản gốc, còn khi về Hà Nội sẽ photocoppy một bản gửi lại cho dòng họ...", ông Út kể. Thế rồi tờ lệnh này đi mãi đến giờ, cả dòng họ mong chờ mãi vẫn không thấy trả về. Ông Võ Văn Tắc, một người con của họ Võ – Lý Sơn (cán bộ tập kết ra Bắc) từng đến gặp hai nhà nghiên cứu và các viện nói trên để đòi lại tờ sắc lệnh này nhưng kết quả không như mong muốn. Bây giờ hai nhà nghiên cứu ấy, người đã mất, người thì không còn minh mẫn…
Từ ngày mất bản gốc của sắc lệnh, dòng họ Võ giữ bản photocopy quý như bảo bối. Giải thích vì sao công bố sắc lệnh này trễ hơn các sắc lệnh của các dòng họ khác trên đảo, ông Út bảo: cả họ sợ thêm một lần nữa mất luôn sắc lệnh, nên dù ai làm gì thì làm, họ Võ vẫn "im lặng là vàng". Mãi đến năm 2009, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ một lần công tác ra đảo đã khuyên họ Võ nên công bố sắc lệnh, góp thêm tiếng nói về chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, trong đó có công lao họ Võ. Sau khi sắc lệnh được công bố, ông Út nghĩ sẽ có nhiều đoàn về làm việc nên vận động tộc họ cho phép ông giữ một số tài liệu để trao đổi, khỏi phiền hà mỗi lần đọc tài liệu phải quy tập cả họ trên nhà thờ Võ tiền hiền.
Hai triều trọng dụng
Gia phả họ Võ (do ông Võ Văn Khiết chấp bút đầu tiên) mà ông Út đang giữ cho thấy, cai đội Võ Văn Khiết là người đầu tiên trên đất đảo Lý Sơn ra Hoàng Sa năm 1786. Tài liệu còn cho biết đất của họ Võ ngày trước chiếm rất lớn ở đảo Lý Sơn, trước khi ra khơi ông Khiết còn đoạn mãi đất của dòng họ để góp kinh phí, củng cố thuyền lương. Đáng lưu ý là, dù có quy định con trưởng ở Lý Sơn không phải sung quân đi Hoàng Sa, nhưng con cháu của ông Khiết là Võ Văn Phú, Võ Văn Hùng, Võ Văn Sanh… là huynh trưởng vẫn chịu trách nhiệm đưa binh phu ra Hoàng Sa. Ông Võ Văn Phú (con trai ông Võ Văn Khiết), vào thời Minh Mạng là người hướng dẫn thuỷ thủ ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền (tài liệu để lại cho biết có ít nhất ba lần ông ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ). Vậy là dòng họ Võ trước vâng lệnh vua, sau là hành động theo trách nhiệm của một người lính, nguời dân với chủ quyền biển đảo tổ quốc. Ấy là chưa kể năm 1789, khi 15 ghe lớn của Tàu ô vào đảo Lý Sơn cướp phá, tộc họ Võ đã đứng ra cùng các dòng họ khác đánh đuổi giặc biển.
Công lao họ Võ với cương thổ đất nước là lý do sau khi lấy thiên hạ từ tay Tây Sơn, vua Gia Long trả thù quan lại nhà Tây Sơn tàn khốc, nhưng với dòng họ Võ – Lý Sơn, vị vua này tiếp tục trọng dụng. Không những thế, tước "hầu" do nhà Tây Sơn ban cho họ Võ (Khâm sai thiết thủ Sa Kỳ hải môn kiêm tri Hoàng Sa cai cơ thủ ngự Phú Nhuận hầu) còn được nhà Nguyễn giữ nguyên (sau này Gia Long phong tước Hội Nghĩa Hầu). Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – giám đốc Sở Văn hoá – thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ngãi (một trong những người nghiên cứu lâu năm về Hoàng Sa, Trường Sa) cho biết, "Các chức chánh suất đội, phó vệ uý… mà triều Nguyễn ban cho các dòng họ ở Lý Sơn sau này đều có chức tước nhỏ hơn so với tước "hầu" mà họ Võ được ban".
|
|
Sắc lệnh đi Hoàng Sa năm 1786.
|
Đơn chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa năm 1875.
|
BÀI VÀ ẢNH: PHẠM ANH
http://www.baomoi.com/Home/XaHoi/sgtt.vn/Bao-vat-ho-Vo-o-Ly-Son/10336178.epi