Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 67
Truy cập hôm nay: 1,082
Lượt truy cập: 10,292,124
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Văn Miếu Bắc Ninh

VĂN MIẾU BẮC NINH

Văn Miếu Bắc Ninh là một trong những di tích còn khá nguyên vẹn, với 11 bia đá ghi tên 645 vị khoa bảng của tỉnh, nơi có số người đỗ tiến sĩ nhiều nhất trong nước.

Bắc Ninh - Địa danh nổi tiếng đã sản sinh ra “Một giỏ ông Đồ, một bồ ông Cống, một đống ông Nghè, một bè Tiến sĩ, một bị Trạng Nguyên, một thuyền Bảng Nhãn”.

Trong lịch sử Hán học dưới chế độ phong kiến kéo dài 845 năm (1075-1919) nước ta đã có 18 khoa thi đại khoa đã được chọn 2.991 tiến sĩ thì Bắc Ninh đã đỗ 645 tiến sĩ (Chiếm 1/4). Trong đó số người đỗ tam khôi (Trạng Nguyên) là 47 thì Bắc Ninh chiếm 17 người (1/3). Người đỗ “Thủ khoa” của khoa thi đầu tiên ở Đại Việt vào thời Lý (1075) là Lê Văn Thịnh (quê ở Đông Cứu – Gia Bình) từng làm tới Thái Sư, Tể tướng, được coi là “ông trạng Khai khoa”.

Tự hào về truyền thống hiếu học, trân trọng những bậc hiền tài đã cống hiến trí tuệ cho quê hương đất nước, đồng thời đề cao, khuyến khích sự hiếu học của các thế hệ, Văn Miếu Bắc Ninh đã được lập nên. Quan niệm tôn sư trọng đạo thể hiện rất rõ trong nội dung tấm bia “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn miếu ký’ dựng ở nhà Tiền tế, “Thần quyền có sáng láng mới biết vận nước thịnh suy. Đạo thành không hưng bởi sự hủ bại về đạo lý. Tại sao vậy, đạo lý sinh ra vốn không tự nhiên. Ở đời cảm nhận được đạo sẽ biết được hoạ phúc..”

Cùng với Thủ đô Hà Nội, Cố đô Huế, Bắc Ninh là địa phương thứ ba xây dựng Văn miếu có tầm cỡ quy mô.

Theo “Đại nam nhất thống chí” (tập 4) và văn bia “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn miếu ký’ ghi chép: Văn miếu Bắc Ninh ở phía Đông Bắc tỉnh thành, thuộc sơn phận Thị Cầu, huyện Võ Giàng, tu bổ năm Gia Long thứ nhất (1802) làm lại năm Thiệu trị thứ tư (1838). Về sau Văn Miếu chuyển về núi Phúc Sơn (Còn gọi là Núi Nác) xã Đại Phúc, thị xã Bắc Ninh vào năm Bảo Đại thứ 3 (1928). Ngoài công trình kiến trúc cũ, người xưa đã xây dựng thêm ở bên trái nhà hậu đường một dãy nhà Tạo soan, bên phải hậu đường là Bi đình.

Phía trước Bi đình là Hội đồng trị sự rồi nhà cải trang (thay quần áo). Nhà tiền tế là nơi tế lễ những ngày sự lệ hàng tỉnh và là địa điểm để nhân dân đến thắp hương cầu xin cho con cái thi cử đỗ đạt được tốt đẹp. Nhà hậu đường thờ Khổng tử và Tứ phối “Nhan Uyên, Tăng Sâm, Mạnh Tử, Tử Lô” cùng 12 bậc hiền trước khác. Các vị đỗ đại khoa được khắc trên bia đá “Kim bảng lưu phương” (Danh thơm lưu mãi bảng vàng) dựng ở Bi đình. Các sĩ tử đỗ dưới học vị Tiến sĩ như cử nhân, hương cống được thống kê tên tuổi đặt ở hữu vu còn tả vu ghi danh những tạo sĩ (Tiến sĩ ngành võ).

Hệ thống văn bia gồm 14 tấm (1 tấm ghi công đức, 2 tấm ghi việc trùng tu Văn Miếu và 11 tấm ghi các vị đỗ đại khoa) là những di vật giá trị ở di tích.

Các bia Tiến sĩ có chiều cao 1,10m, rộng 0,75m, dầy 0,15m. Trán bia chạm hình tượng “Lưỡng Long Chầu Nguyệt” và hoạ tiết mây cuốn khắc nổi 4 chữ “Kim bảng lưu phương”, bên cạnh có hai dòng chữ nhỏ khắc chìm ghi thời gian khắc bia. Mỗi tấm bia tiến sĩ đều ghi thứ tự thời gian mỗi khoa thi và thứ hạng tên tuổi, học vị, quê quán, chức tước của người thi đỗ theo thứ bậc từ cao xuống thấp. Thứ hạng, tên tuổi được trân trọng khắc chữ to. Nếu vị đại khoa nào có khả năng hay vấn đề gì dị biệt như thần đồng, tam nguyên, tứ nguyên hay trường hợp từ quan ẩn dật thì cũng được lưu ý đặt ở phần này...

Sưu tầm từwebsite bacninhtrade.com.vn

Người đăng: admin