Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 64
Truy cập hôm nay: 757
Lượt truy cập: 10,291,799
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Thành nhà Bầu

THÀNH NHÀ BẦU


1. Đôi nét về lịch sử dòng họ Vũ

Từ tư liệu trong các sách Phương Đình địa chí của Nguyễn Văn Siêu, Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Việt sử thông giám cương mục, có tham khảo Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang của Nguyễn Văn Bân, ta có thể khôi phục lịch sử dòng họ Vũ, các "Chúa Bầu".

Thời vua Lê Chiêu Tông (1516 - 1522), làng Ba Đông, huyện Gia Phúc (nay là Gia Lộc, tỉnh Hải Hưng) có một người khỏe mạnh, gan dạ tên là Vũ Văn Uyên. Vì can tội giết người, Uyên trốn lên ngụ ở trấn Đại Đồng, tỉnh Tuyên Quang. Bấy giờ người tù trưởng Đại Đồng bị nhân dân oán ghét. Tình hình Đại Đồng rất lộn xộn. Uyên thấy vậy kết đảng, thừa cơ giết chết người tù trưởng, ổn định tình hình địa phương rồi chiếm luôn đất đó, giữ quyền đứng đầu địa phương. Vua Chiêu Tông phong cho làm Đô thống sứ trấn Tuyên Quang, tước Khánh Dương hầu (sách Lịch triều hiển chương loại chí chép là Khánh Bá Hầu)... Uyên đóng quân tại thành Nghị Lang ở xã Lương Sơn, huyện Lục Yên. Binh sĩ của Uyên có tới mấy vạn.

Cùng lúc này, trong triều có nhiều phe phái, đưa tới việc Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua vào năm 1527. Vũ Văn Uyên (Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang chép là Vũ Công Uyên) giữ vững cả miền Tuyên Quang, Hưng Hóa, cát cứ một phương, hướng về nhà Lê không chịu theo Mạc.

Khi nghe tin Nguyễn Kim đưa Lê Trang Tông sang Sầm Châu mưu việc trung hưng thì Uyên sai người dâng biểu xin theo. Khi Trang Tông sai Trịnh Duy Liễn sang nhà Minh tố cáo việc họ Mạc cướp ngôi, vua Minh sai tuần phủ Vân Nam điều tra vào năm 1533, thì chính Uyên đã viết thư tố cáo họ Mạc rồi cầm quân đi tiên phong cùng quân Minh đánh Mạc. Nhưng quân Minh lừa dối, lợi dụng cơ hội tiến quân cướp nước ta. Biết rõ điều này, Uyên kịp thời rút bỏ quân Minh và phái người vào Sầm Châu làm hướng đạo dẫn quân nhà lê theo đường thượng đạo hành quân đánh Mạc. Đánh vài trận không được, Uyên rút quân về Đại Đồng. Mạc Phúc Hải đem đại quân ngược sông Hồng tiến đánh Uyên. Lần thứ nhất Uyên tránh, lần sau thì phục quân đánh tan quân Mạc. Từ đó triều Mạc phải chịu cho họ Vũ cát cứ.

Lê Trung Tông lên ngôi (1549 - 1556), Uyên vâng chiếu đem quân xuống phía tây lấy các phủ Tam Đới, Bắc Hà rồi sai người đi phủ dụ dân Thái Nguyên, Lạng Sơn.

Lê Anh Tông lên ngôi (1557), Trịnh Kiểm cất quân đánh Mạc, theo đường Thiên Quan ra Hưng Hóa, tới Tuyên Quang. Uyên ra đón. Trịnh Kiểm rất mừng, cho Uyên vẫn giữ Đại Đồng. Vì có nhiều công giúp vua Lê, Uyên được ban quyền thế tập trấn giữ Tuyên Quang.

Vũ Văn Uyên chết, con là Vũ Văn Mật nối quyền, xưng là Gia quốc công (Lịch triều hiến chương loại chí chép: Vũ Văn Uyên được Trang Tông phong Gia quốc công). Mật lấy Đại Đồng làm trung tâm xây thành đắp lũy, chiêu tập những người lưu vong trở về xây dựng Đại Đồng thành một nơi trù mật, đông vui. Tương truyền thành Cát Tường ở xã Vân Khánh, huyện Lục Yên là thành của Mật. Lê Anh Tông từng sai Mật cùng các tướng trấn nơi khác sửa đường sá từ Thiên Quang tới Hưng Hóa, Tuyên Quang để vận tải lương tiến công quân Mạc.

Vũ Văn Mật chết, Vũ Công Kỷ nối nghiệp cha, được phong Nhân quốc công. Năm 1573, Trịng Tùng lấy Thái phó Nhân quốc công Vũ công Kỷ làm hữu tướng. Cùng năm đó, Kỷ được sai đem quân bản bộ về giữ Đại Đồng để yên dân địa phương. Kỷ đã từng nhiều lần cầm quân đánh Mạc và lập công to. Năm 1578, Mạc Ngọc Liễn xâm lấn các vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa, Kỷ tung quân đánh, quân Mạc lại thua to và phải rút về.

Vũ Đức Cung, con Vũ Công Kỷ, tước Hòa Thắng hầu, năm 1593, đem 2.000 quân tới kinh đô quy phục, dâng vàng bạc và đồ quý. Trịnh Tùng thăng làm Bắc quân Đô đốc, Thái bảo Hòa quận công (Phương Đình địa chí ghi là Hòa quốc công), được mang quân hiệu là An Bắc doanh. Cũng năm đó Cung lại xin về trấn Đại Đồng.

Tới Cung thì lòng trung với nhà Lê đã kém sút. Năm 1594, Cung ngầm hai lòng cùng với Mỹ Thọ hầu (không rõ tên) đi lại quấy nhiễu các huyện đầu nguồn trấn Sơn Tây, đánh phá các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, lại dời dân các huyện Đông Lan, Tây Lan vào ở Đại Đồng. Trịnh Tùng sai Thái úy Nguyễn Hữu Liên đi đánh bắt được Mỹ Thọ hầu. Cung phải đem con em chạy đi Nghĩa Đô. Sau đó Cung phải sai người vào kinh dâng vàng bạc quy phục. Năm 1595, Cung tiến xưng Long Bình vương, sai tướng đánh cướp các động ở châu Bạch Thông (Thái Nguyên), hiếp lấy thuế của mỏ bạc. Trịnh Tùng lại phải sai quân đánh.

Vì dòng họ Vũ có nhiều công lao nên con của Vũ Đức Cung là Vũ Công Ưứng vẫn được tập phong là Thụy quận công (Đại Việt sử ký toàn thư chép là Thuần quận công).

Vũ Công Ưứng (các sách chép tên có khác nhau: Đức, Sắc, Huệ, Sưa) được tập phong với Thái phó Tống quận công. Nhưng Ưứng cậy sông núi hiểm trở, xa cách, ngầm liên kết với họ Mạc, tự xưng vương. Triều đình nhà Lê vẫn phải bao dung. Sau vì có việc bất bình với thủ hạ là Ma Phúc Trường, đã lo sợ về kinh tự thú. Dọc đường, Ưứng bị giết.

Vũ Công Tuấn được lập nối nghiệp cha và được cho làm Đô đốc thiêm sự, tước Khoan quận công, ban cho dân lộc để giữ việc thờ cúng. Vào năm 1672, nhân lúc triều đình sơ hở, Tuấn trốn về Tuyên Quang cướp bóc nhân dân. Tuấn câu kết với dòng dõi họ Mạc, tự xưng Tiểu Giao Cương Vương và chạy sang Vân Nam nhờ nhà Thanh giúp sức. Thổ ty phủ Khai Hóa (Vân Nam) nhân dịp này chiếm đất cướp dân của nước ta. Suốt thời Lê, ta không đòi lại được.

Năm 1699, triều đình đã bắt được Tuấn và giết đi. Từ đó triều đình đặt chức Lưu thủ ở Tuyên Quang. Dòng dõi "Chúa Bầu" cũng kết thúc vai trò lịch sử của mình.

2. Thành Việt Tĩnh

a) Vị trí địa lý

Kế tục sự nghiệp của anh là Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật đã từng dâng biểu xin vua Lê cho được quyền phong tước cho các tướng, một mình riêng cõi sơn hà, quyền thế như một ông vua. Mật xây thành đắp lũy trên gò Bầu. Nhân dân thường gọi là "Chúa Bầu" hoặc "Vua Bầu".

Thiên Nam bảo lục diễn ca có câu: "Lẫy lừng trong chốn hoang vu. Gồm hai văn vũ, riêng gò Biều vương" (Biều nên gọi là Bầu).

Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn ghi, quân của Vũ Văn Mật đóng làm 11 doanh: "Huyện Phù Yên có doanh Phù Yên, châu Thu Vật có doanh Yên Thắng, châu Lục Yên có doanh An Bắc, châu Vị Xuyên có các doanh Bình Di, Bình Man, Trần Uy, Yên Biên, và Nam Đương, châu Đại Man có doanh Nghi, châu Bảo Lạc có doanh Bắc Kiệm và Trung Mang". Ơở mỗi doanh đều có xây thành lũy hiểm trở. Những di tích thành lũy có quan hệ với các chúa Bầu rất nhiều trong một vùng rộng lớn suốt từ ngã ba Đoan Hùng ngược lên hết địa phận huyện Lục Yên. Ngày nay nhân dân thường gọi chung những di tích này bằng cái tên "Thành nhà Bầu".

Thành Việt Tĩnh (cũng gọi là Thành nhà Bầu) là một tòa thành lớn của họ Vũ.

Từ trung tâm Phố Cát xuôi về phía Thác Bà có con đường đất lớn bám sát dòng sông Chảy. Tới địa phận thôn Cẩm La, lại có con đường rẽ ra bờ sông. Đây cũng là con đường đi ra thành Việt Tĩnh.

Thành xây dựng ngay ven bờ sông Chảy, đối diện với ngọn núi Cao Biền thuộc xã Vũ Linh, châu Thu Vật phía bên kia sông.

Một nửa phần thành nằm trên gò núi, nửa phần khác nằm trên vạt đất bằng. Do vậy tường thành phải thuận theo địa hình mà đắp. Thoáng nhìn qua, thành có hình thù lạ, giống như một chiếc vai cày, nhưng nghiên cứu kỹ thì mọi quy luật xây thành đương thời đều đã được áp dụng nghiêm túc.

b) Cấu trúc

Tường thành xung quanh còn gần như đủ cả, trừ một chỗ bị bom Mỹ ném trúng, vài chỗ sụt lở và hai chỗ bị cắt đứt để làm đường ôtô đi qua.

Do phải thuận tho địa hình mà đắp tường, cho nên khó phân biệt được đâu là tường đông, tây, nam hoặc bắc.

Chu vi toàn bộ tường thành đo được 1.385 mét. Quan sát nơi còn nguyên vẹn, tường thành cao 2,30 mét, mặt tường rộng 3 mét, chân tường rộng 9 mét. Tường đều được đắp bằng đất, trừ những cửa có xây ốp vách bằng gạch hoặc đá tảng. Nếu chỉ căn cứ vào kích thước mà xét thì tường thành Việt Tĩnh không kiên cố lắm.

Bốn mặt tường đều có hào.

Phần tường phía tây bắc được đắp lượn trên gò cao. Hào thành được đào ở phía ngoài, sát gần ngay chân thành. Hào rộng chừng 10 mét, có thể dốc để đổ nước ra sông Chảy. Như vậy có thể kết luận được rằng đoạn hào này quanh năm không có nước, kể cả mùa mưa.

Phần tường phía tây nam, nam và đông nam được đắp trên bãi phẳng. Hào thành ở nơi này lại đào ở phía trong tường thành, và cũng đào sát ngay chân tường thành. Hiện tượng kiến trúc hiếm thấy này thật đáng được suy nghĩ.

Đào hào phía trong thành liệu phát huy được tác dụng gì cho việc phòng thủ? Hào đào sát ngay chân tường thành liệu có tránh khỏi việc ảnh hưởng tới sự sụt lún của tường?

Cho tới nay, dù đã tham khảo nhiều tài liệu về thành trong nước cũng như nước ngoài, chúng tôi vẫn chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng cho hiện tượng kiến trúc này.

Mặt bắc, dòng sông Chảy vừa rộng, vừa sâu, vừa chảy xiết, được lợi dụng làm hào ngoài tự nhiên.

Cần phải nói thêm rằng, sông Chảy không những chỉ là hào ngoài thiên nhiên của tòa thành mà còn là con đường giao thông quan trọng giữa thành Việt Tĩnh và nhiều tòa thành khác cũng của các chúa Bầu. Theo truyền thuyết địa phương, sông Chảy còn là nơi tập thủy quân của họ Vũ.

Thành mở bốn cửa Bắc, Nam, Tây và Đông. Cả bốn cửa thành đều không mở ở giữa bất cớ đoạn tường nào. Quãng cách giữa các cửa thành cũng không đều nhau, khiến ta có thể nghĩ tới sự tùy tiện của người xây dựng. Thực ra không phải như vậy. Nếu đặt một địa bàn trên bình đồ của thành, ta sẽ thấy bốn cửa mở rất đúng hướng bắc, nam, tây, đông.

Cửa Đông là cửa Tiền, mở xuống sông Chảy, cửa này được đắp thành bao vòng lồi ra ngoài để làm tường chắn cửa và mở một cửa nách ở bên cạnh. Muốn ra vào người ta phải đi theo đường chữ chi mà không thể trực tiếp vào thẳng ngay trong thành.

Cửa Nam mở đúng hướng nam. Phía này hào thành đào phía trong tường thành. Ơở nơi cửa, hào không đào thông mà chừa một lối để ra vào.

Cửa Nam cũng vậy, hào không đào thông. Ơở cửa này vẫn còn dấu vết những tảng đá đẽo góc cạnh vuông vức lát suốt lối đi. Trên hai vách cửa cũng còn mấy viên đá kè. Chắc xưa kia vách cửa phải được kè tề chỉnh.

Cửa Bắc mở gần góc đông bắc. Phía cửa này tường thành cao, hào rất sâu, thuận tiện cho việc xuống sông. Cũng có thể coi nó như một cửa nách của mặt Tiền.

Trên cả bốn cửa thành không có dấu vết gì chứng tỏ xưa kia có làm lầu cửa.

c) Một vài di tích có liên quan

Trên mặt tường thành còn di tích của bảy lò nung gạch và gốm, phân bố ở mặt bắc và tây bắc, nói cách khác là phân bố ở phía mà tường thành được đắp trên gò cao.

Lò nung đều nhỏ, hình tròn, đường kính chừng 1 mét. Riêng lò nung gạch có hình chữ nhật dài hơn 1 mét, rộng 1 mét.

Trong lòng các lò và xung quanh các lò còn nhiều di tích phế phẩm và cả chính phẩm. Những di vật này cho hay lò gạch chủ yếu nung loại gạch vồ điển hình của thời Lê; lò gốm chủ yếu nung những lon sành nông, sâu các cỡ và cũng kà sản phẩm quen thuộc của thời này.

Một suy nghĩ thật khéo léo của các tướng lĩnh đương thời rất đáng được dùng đôi dòng để bàn tới. Cho làm lò nung ngay trên mặt tường thành, thậm chí ngay chính giữa mặt tường thành bao nơi cửa Tiền, những người chỉ huy khi đó đã khéo kết hợp việc canh phòng và sản xuất tự cung cấp cho quân đội.

Chúng ta đã gặp bếp đun và nung những mũi chông củ ấu trên mặt tường thành Luy Lâu (Hà Bắc) chứng minh những công việc nấu nướng, nung vũ khí kết hợp với việc canh gác của người lính ngay trên mặt tường thành [1].

Lần thứ hai, và cũng chỉ mới lần thứ hai, chúng ta gặp hiện tượng kết hợp việc canh gác với sản xuất trên mặt tường thành tại thành Việt Tĩnh.

Bằng những chứng tích độc đáo này, những vòng tường thành bình thường bỗng trở nên sống động. Người ta không còn thấy khó hiểu vì sao nước ta có thể dễ dàng xây dựng một đội quân lớn mạnh với một ngân sách ít ỏi.

Nói chung, hệ thống thành nhà Mạc cũng như nhà Bầu được xây dựng nên chủ yếu là để chống với các lực lượng phong kiến đối lập khác trong nước chứ không phải để chống ngoại xâm.


(1) Đỗ Văn Ninh: Những mũi chông củ ấu bằng đất nung. Nghiên cứu Lịch sử, số 150, tháng 5 - 6 năm 1973, tr. 61.

Sưu tầm từ www.binhthuan.gov.vn

Người đăng: admin