Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Danh mục
Thống kê
Đang online: 329
Truy cập hôm nay: 4,256
Lượt truy cập: 10,317,834
Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Tên họ người Việt Nam (phần 5)

Tên họ người Việt Nam ( Phần 5)

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy

Mục II : Những điểm tương đồng và tương dị của họ và tên người Việt Nam so với họ và tên người Trung Hoa và người Tây phương gốc Âu

So với họ và tên người Trung Hoa và người Tây phương gốc Âu, họ và tên người Việt Nam có những điểm tương đồng và tương dị. Chúng ta có thể nghiên cứu sự dị đồng này trong nhiều khía cạnh.

I. Nguồn gốc, ý nghĩa và tổng số các họ và tên các nước Tây phương gốc Âu và ở Trung Hoa với ViệtNam

A. Nguồn gốc và ý nghĩa các họ.

1. Thời kỳ xuất hiện của các họ.

Ở các nước Tây phương gốc Âu cũng như ở Trung quốc, lúc ban đầu việc có họ dành riêng cho các nhà quí tộc, sau đó đến phiên người trưởng giả được có họ, và sau cùng thì mọi người đều có họ cả.

Tại Trung quốc, việc mở rộng quyền có họ cho người bình dân đã bắt đầu với đời Khổng Tử và đến đầu đời Hán tức là vào thế kỷ thứ 3 trước CN thì mọi người Trung Hoa đều có họ.

Người Trung Hoa đã chinh phục đất Việt Nam vào thế kỷ thứ 2 trước CN và đến sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (t.v. 39-43) thì họ đã áp dụng chánh sách đồng hóa đối với dân tộc Việt Nam; cho nên từ lúc đó, người Việt Nam cũng có họ như người Trung Hoa.

Ở các nước Tây phương gốc Âu, việc quí tộc có họ đã bắt đầu từ đời cổ như ở Trung quốc. Nhưng diễn trình phổ biến họ cho giới bình dân đã bị gián đoạn vì ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo và chỉ bắt đầu trở lại vào thế kỷ thứ 12. Phần lớn các họ ở Pháp chỉ được ổn định vào thế kỷ thứ 15. Vậy nói chung lại, phần lớn các họ hiện tại ở các nước Tây phương gốc Âu đã xuất hiện sau các họ Trung Hoa và Việt Nam rất lâu.

2. Ðiểm tương đồng giữa họ người Tây phương gốc Âu và họ người Trung Hoa với người Việt Nam.

Hầu hết các họ của người Việt Nam đều mượn của Trung Hoa, mà xét lịch trình đặt họ ở Trung quốc và ở các nước Tây phương gốc Âu, ta thấy có những điểm rất giống nhau.

Ở Trung quốc cũng như ở các nước Tây phương gốc Âu, các họ có thể phát xuất từ tên vật tổ của các bộ lạc xa xưa, tên một nước, một lãnh địa, một địa phương, tên một dân tộc, một sắc tộc, tên một địa điểm liên hệ đến nơi cư trú của người, tên chức vụ hay nghề nghiệp, tên chánh hay biệt hiệu mô tả một đặc điểm tốt hay xấu của người về mặt thể chất hay tinh thần. Trong số các họ như vậy, ta nhận thấy có những tên chỉ phương hướng, màu sắc hay tên một loài cầm thú.

Nếu chỉ xét ý nghĩa, ta có thể nhận thấy một sự tương ứng hoàn toàn giữa một số họ của người Tây phương gốc Âu và một số họ của người Trung Hoa.

a. Các họ Bois, Bosc, Bosq, Wood, Wald có nghĩa là rừng y như họ Lâm. Các họ Mont, Berg, Bergh có nghĩa là núi y như họ Sơn.

b. Về tên các tước vị thì các họ Empereur, Lempereur, Kaiser có nghĩa là nhà vua tối cao như họ Hoàng. Các họ Roy, Leroy, Rey, King, Koenig có nghĩa là vua như họ Vương. Các họ Prince, Leprince có nghĩa là con cháu một nhà vua như các họ Hoàng Tử, Vương Tử, Vương Tôn. Các họ Marquis, Lemarquis, Marques và Comte, Lecomte, Conde, Graft có nghĩa là hầu tước hay bá tước như các họ Hầu và Bá.

c. Về dóc dáng thể chất thì các họ Grand, Legrand, Gros, Legros, Gross, Long, Lang cũng có nghĩa là cao lớn to mập như họ Ðại.

d. Về màu sắc thì các họ Blanc, Leblanc, Blanche, Lablanche, White, Weiss có nghĩa là trắng như họ Bạch. Họ Jaune có nghĩa là vàng như họ Hoàng hay Huỳnh.

đ. Về nghề nghiệp, các họ Boucher, Leboucher có nghĩa là người chuyên mổ thịt súc vật như họ Ðồ.

e. Về phương hướng thì họ West có nghĩa là phía tây như họ Tây Phương. Các họ Nordmann, Nordman có nghĩa là người phương bắc như họ Bắc Nhơn.

g. Về tên cầm thú thì các họ Oiseau, Loiseau, Loisel, Vogel, Byrd có nghĩa là chim như họ Ðiểu. Các họ Corbeau, Corbett, Corbin có nghĩa là con quạ như họ Ô. Các họ Boeuf, Leboeuf, Bull, Bullock, Steer, Steere, Far, Ocho, Bicek, Buhajecko có nghĩa là con bò như họ Ngưu. Các họ Cheval, Chevallo, ?, Steed, Stedman, Stott có nghĩa là con ngựa như họ Mã. Các họ Loup, Leu, Leloup, Leleu, Wolf, Wolff, Wolffe, Weilf, Wulff, Nelk, Vek, Farleas, Lycos, Volkow, Volf, Volkov, Vovenko có nghĩa là con chó sói như họ Lang.

3. Các điểm tương dị giữa nguồn gốc và ý nghĩa của họ người Tây phương gốc Âu và người Trung Hoa.

Mặc dầu có những chỗ rất giống nhau, giữa nguồn gốc và ý nghĩa của họ người Tây phương gốc Âu và họ người Trung Hoa vẫn có những chỗ khác nhau và ngay trong những trường hợp bề ngoài có sự tương ứng hoàn toàn, thật sự vẫn có những chỗ tương dị.

a. Sự tương dị trong các điểm bề ngoài có sự tương ứng hoàn toàn.

Như trên đây đã nói, một số họ của người Tây phương gốc Âu có ý nghĩa y hệt một số họ tương ứng của người Trung Hoa. Tuy nhiên, các họ có ý nghĩa y hệt như vậy lại không phải đều có một nguồn gốc tương tự.

Các họ liên hệ đến các tước vị cũng như các họ trùng hợp với tên các màu sắc và tên các cầm thú ở các nước Tây phương gốc Âu đều là những biệt hiệu đặt cho người bình dân. Trong khi đó, các họ tương ứng của Trung Hoa lại phát xuất từ các tước vị thật sự và tên đặt hoặc tên hiệu những nhơn vật quan trọng.

Một nghi vấn mà ta có thể đặt ra là liệu tên các nhơn vật này có phải là biệt hiệu hay không? Họ Bạch có một nhánh phát xuất từ tên một quan đại phu nước Tần là Bạch Ất Bính, nhưng tài liệu Trung quốc không giải thích rõ tên đó do đâu mà có nên chúng ta không thể trả lời dứt khoát câu hỏi trên đây.

Dầu sao thì nói chung, người Trung Hoa rất ít dùng các biệt hiệu để đặt họ. Trường hợp các họ Kình và Kiên phát xuất từ một hình phạt là những trường hợp hiếm có. Mặt khác, biệt hiệu dùng làm họ ở Trung quốc thường dựa vào một sự kiện có ý nghĩa tốt.

Trường hợp điển hình là việc Thừa tướng Ðiền Thiên Thu đời Hán Võ Ðế vì tuổi già nên được vua đặt cách cho ngồi xe nhỏ vào làm việc trong nội và nhơn đó mà được đặt biệt hiệu Xa Thừa tướng rồi con cháu lấy chữ Xa làm họ luôn.

Trong khi đó, các biệt hiệu dùng làm họ ở các nước Tây phương gốc Âu thường là loại biệt hiệu dùng để chế giễu châm biếm.

Ðiều này cho thấy rằng người Trung Hoa đã tỏ ra trịnh trọng hơn người Tây phương gốc Âu trong việc đặt họ, và sự khác nhau trên đây có thể phát xuất từ mục đích căn bản của công việc đặt họ đó.

Ở Trung quốc, việc đặt họ nhắm mục đích phổ biến lễ ra giới bình dân, làm cho mỗi người biết nguồn gốc tổ tiên của mình để cúng tế tôn thờ. Chánh quyền dĩ nhiên là cũng có lợi khi mỗi người đều có tên họ ghi chép vào hộ tịch, nhưng đó chỉ là một hệ quả của việc đặt họ. Vì mục đích của việc đặt họ có tánh cách lễ giáo nên người Trung Hoa có xu hướng lựa những họ có nguồn gốc hay ý nghĩa tốt và tránh các biệt hiệu nêu ra những chỗ xấu chỗ dở của người.

Ở các nước Tây phương gốc Âu, không có tục thờ cúng ông bà và công việc đặt họ ghi vào hộ tịch có mục đích hành chánh nhiều hơn, mặc dầu những người đảm nhiệm công việc này là các giáo sĩ. Do đó, người ta có thể lấy mọi danh hiệu để đặt họ, và các viên chức lo việc hộ tịch có thể tự động đặt họ cho những đứa trẻ vô thừa nhận.

b. Việc biến một họ gốc thành nhiều họ.

Ở các nước Tây phương gốc Âu, việc biến một họ gốc thành nhiều họ là một hiện tượng thông thường. Người Tây phương gốc Âu có tục thêm một tiếp đầu ngữ hay một tiếp vĩ ngữ hoặc một từ ngữ phụ vào một họ gốc để làm biến nghĩa nó đi. Mặt khác, chữ viết của họ là loại chữ phiên âm nên một họ có thể vì sự phát âm khác nhau của người địa phương khác nhau mà được viết ra khác nhau. Sau hết, lại có việc viên chức hộ tịch viết một họ trong một địa phương theo nhiều lối khác nhau. Vì các lý do trên đây, một họ gốc có thể sanh ra nhiều họ liên hệ.

Ở Trung quốc, việc biến một họ gốc thành nhiều họ cũng có xảy ra như trường hợp họ Vương cho thêm ra các họ Vương Tử, Vương Tôn, họ Công cho thêm ra các họ Công Tử, Công Tôn, họ Hạ cho thêm ra họ Hạ Hầu. Nhưng nói chung thì hiện tượng này không phổ biến và một họ cũng chỉ cho ra một vài họ mà thôi chớ không cho ra quá nhiều họ như ở các nước Tây phương gốc Âu.

Mặt khác, Hán tự là một loại chữ tượng hình hay hội ý nên mặc dầu một họ có thể được phát âm khác nhau tùy theo địa phương, nó vẫn được viết theo một lối duy nhứt ở mọi nơi, thành ra một họ không biến thành nhiều họ như ở các nước Tây phương gốc Âu.

Tuy nhiên, cũng có việc viết lộn họ này ra họ khác. Ðó là trường hợp của hai họ Dương ? và Dương ?. Hai họ này thời xưa viết theo hai lối khác nhau, nhưng từ đời Hán, người ta lại dùng chữ ? thay cho chữ ? thành ra cuối cùng các học giả cũng phân vân không khẳng định được là có hai họ khác nhau hay thật sự chỉ có một họ.

Riêng ở Việt Nam thì từ khi dùng chữ Quốc ngữ, đã có hiện tượng viết khác nhau một họ gốc như nhau nhưng lại phát âm khác nhau, vì tục cử tên, vì lối nói địa phương, hay vì viết sai chánh tả, thành ra một họ gốc có thể biến thành nhiều họ. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ ảnh hưởng đến một số ít họ. Bù lại, cũng có hiện tượng trái ngược là viết y như nhau các họ phát âm giống nhau nhưng viết khác nhau theo Hán tự.

B. Nguồn gốc và ý nghĩa các tên và tổng số các tên họ được dùng.

1. Nguồn gốc và ý nghĩa các tên.

Ở Trung quốc và Việt Nam, tên của người là một từ ngữ thông dụng có ý nghĩa trong ngôn ngữ thông thường.

Ở các nước Tây phương gốc Âu, trái lại, các tên vốn là tên các vị được phong thánh hay các vị tử đạo của Thiên Chúa giáo. Ngoài ra, lại có một số tên của người ngoại quốc du nhập. Trong các tên được dùng như vậy, chỉ có một số ít là có ý nghĩa y như từ ngữ tương ứng trong ngôn ngữ thông thường, còn phần lớn các tên thì không có ý nghĩa gì trong ngôn ngữ thông thường nữa.

Ta có thể nhận thấy rằng một tên có ý nghĩa thông thường ở một nước không phải luôn luôn giữ được ý nghĩa thông thường đó khi được chuyển qua nước khác. Như tên Pierre của người Pháp có nghĩa là hòn đá trong ngôn ngữ thông thường đã không còn mang ý nghĩa thông thường đó khi trở thành Peter ở nước Anh và các nước nói tiếng Anh.

Với tục thêm tiếp vĩ ngữ vào tên và việc một tên có thể viết ra theo nhiều lối khác nhau tùy theo địa phương, số tên được dùng ở các nước Tây phương gốc Âu có tăng thêm. Tuy nhiên, số này vẫn có tánh cách hạn chế.

2. Tổng số các tên và họ được dùng.

Vì các lý do đã nêu ra trên đây, giữa tổng số họ và tên được dùng ở các nước Tây phương gốc Âu và ở Trung quốc với Việt Nam có một sự dị biệt rõ rệt.

Người Trung Hoa và Việt Nam có thể dùng bất cứ từ ngữ nào trong ngôn ngữ mình để đặt tên cho con nên số tên ở Trung quốc và Việt Nam có tánh cách vô hạn lượng. Trong khi đó số tên gốc được dùng ở một nước Tây phương gốc Âu chỉ có vài trăm, nếu kể tất cả các biến thể của các tên thì cũng chỉ lên đến số muôn là cùng.

Trái lại, số họ ở các nước Tây phương gốc Âu rất nhiều. Riêng tại Pháp, số này lên đến khoảng 160.000 và ở Hoa Kỳ, nó lên đến trên 1.200.000. Trong khi đó, tổng số họ ở Trung quốc chỉ có 5.652, người Việt Nam chỉ mượn một số họ của người Trung Hoa nên tổng số họ Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 300.

II. Cách dùng tên và họ ở các nước Tây phương gốc Âu và ở Trung quốc với Việt Nam.

Trong việc dùng tên và họ, điểm dị biệt căn bản đưa đến một số dị biệt giữa người Trung Hoa với người Việt Nam một bên và người Tây phương gốc Âu một bên, là người Trung Hoa cùng người Việt Nam theo tục cử tên trong khi người Tây phương gốc Âu không theo tục đó.

A. Cách đặt tên.

Trong chương khảo về tên người Việt Nam, ta đã thấy rằng trước đây một người Trung Hoa hay người Việt Nam có thể có rất nhiều loại tên. Ngoài tên chánh, họ còn có thể có một nhũ danh, một tên tự, một hay nhiều tên hiệu. Nhưng ít nhứt, mỗi người đều phải có một tên chánh và chỉ có một tên chánh mà thôi.

Trong việc đặt tên chánh này cho con cháu, người Trung Hoa và người Việt Nam tuyệt đối tránh việc dùng tên một người cấp trên mình trong gia đình hay trong xã hội. Khi thấy người quen biết với mình mà lấy tên mình để đặt cho con cháu, người Trung Hoa và người Việt Nam rất giận. Họ xem đó là một hành động có mục đích hạ nhục mình, vì cho rằng cha mẹ đứa bé có tên trùng với mình có thể nuôi ý muốn sỉ vả mình khi mắng chửi nó. Các loại tên khác sở dĩ được đặt ra là để cho kẻ khác dùng để gọi người có tên chánh cần phải cử.

Ngày nay, tục cử tên đã bớt nghiêm ngặt, nhưng việc tránh dùng tên người cấp trên để đặt cho con cháu mình vẫn còn được áp dụng.

Ở các nước Tây phương gốc Âu trái lại, người ta thường lựa tên những người mình thương mến hay kính phục để đặt cho con và người có tên được đem ra đặt cho một đứa bé sơ sanh chẳng những không xem đó là một cái nhục mà còn vui mừng vì nghĩ rằng mình được mến phục. Do đó, tên chánh được đặt cho con có thể là tên ông bà cha mẹ chú bác cô dì của nó, hay tên một người bạn thân, một quan thầy, ... và người có tên được đem đặt cho đứa bé được xem là kẻ đỡ đầu cho nó.

Vì một đứa bé có thể có nhiều người muốn đỡ đầu nên người Tây phương gốc Âu có thể đồng thời mang nhiều tên chánh ghi trong hộ tịch. Tuy nhiên, các tên chánh này không phải được dùng hết trong đời sống hàng ngày nên người ta phải cho viên chức hộ tịch biết thứ tự ưu tiên của các tên này.

Ở Pháp, thường thì chỉ có một tên được dùng, riêng ở Hoa Kỳ, người ta dùng hai tên, nhưng tên thứ nhì lại thường viết tắt và gọi là tên viết tắt (initial). Như Tổng thống Franklin D. Roosevelt có tên viết tắt là D. tức là Delano, và Tổng thống John F. Kennedy có tên viết tắt là F. tức là Fitzgerald.

Tên chánh của một người Tây phương gốc Âu có thể là một tên đôi gồm hai tên thường ghép lại và giữa hai tên có gạch nối liền. Như ông van Onsem, Tổng thơ ký của Ủy ban quốc tế yểm trợ Việt Nam tự do có tên đôi là Yves-Leo; văn hào Rousseau của Pháp có tên đôi là Jean-Jacques; hoàng hậu nước ? hồi thế kỷ thứ ? có tên đôi là Marie-Thérèse.

Ngoài tên chánh, người Tây phương gốc Âu còn có thể có một hay nhiều danh hay hiệu khác như nghệ danh cho nghệ sĩ, bút hiệu cho văn sĩ ký giả, ...

Mặt khác, như ta đã thấy, họ thường đặt biệt hiệu cho người khác; và trong quá khứ, một số các biệt hiệu này đã trở thành họ của người.

Trong việc đặt các tên hiệu như vậy, người Tây phương gốc Âu cũng có thể có trò chơi chữ, như ông Arouet đã đổi chữ U trong họ mình thành chữ V rồi xáo trộn thứ tự các mẫu tự trong tên họ đó để tạo bút hiệu Voltaire (1694-1778).

Nhưng nói chung lại, việc đặt các loại tên của người Tây phương gốc Âu tương đối giản dị hơn việc đặt các loại tên ở Trung quốc và Việt Nam trước đây.

B. Các tên của các nhà lãnh đạo tối cao.

Ở các nước Tây phương gốc Âu, không có tục cử tên nên mọi người có thể gọi tên nhà lãnh đạo tối cao của mình bằng tên chánh của ông ta. Mặt khác, một nhà vua có thể có một tên chánh y như tên chánh của ông cha mình hay của một nhà vua tiền nhiệm thuộc gia tộc khác.

Ðể phân biệt các nhà vua cùng tên chánh như vậy, người Tây phương gốc Âu đã đánh số thứ tự của họ. Như ở nước Pháp có nhiều nhà vua tên Louis từ thứ 1 đến thứ 18. Mặt khác, người dân Tây phương gốc Âu còn có thể gọi các nhà lãnh đạo tối cao của mình bằng một biệt hiệu ngay trong khi còn trị vì.

Việc đặt biệt hiệu cho một nhà vua Tây phương gốc Âu thường phát xuất từ hai nhơn vật:

  • Một là viên ngự sử lo việc chép lại các sự kiện xảy ra và các quyết định cùng hậu quả các quyết định của nhà vua này;
  • Hai là thằng khùng của nhà vua, nhà lãnh đạo tối cao. Ðó là một người vì một tật thể chất như lùn, gù lưng, ... mà không thể có một địa vị xã hội khả quan thành ra không thể trở thành nhơn vật có thể nắm giữ quyền hành và không thể gây nguy hại cho địa vị nhà vua. Do đó, nhà vua có thể tin cậy anh ta hoàn toàn.

·  Thường thì nhà vua rất thân mật với thằng khùng và anh này nhờ vị thế đặc biệt của mình mà có thể nói thẳng cho vua biết những điều mà quần thần hay người dân khác không dám nói ra.

Vốn ở sát bên nhà vua và được nhà vua ngỏ bày tâm sự nên thằng khùng rất hiểu rõ vua. Anh ta có thể hợp tác với viên ngự sử vốn cũng hàng ngày theo dõi hành tích của nhà vua để đặt một biệt hiệu nói rõ lên đặc tánh của nhà vua. Biệt hiệu này được tung ra rồi thì thường được mọi người dùng.

Cũng có thể biệt hiệu một nhà vua do người trong nhơn dân gợi ý trước rồi được viên ngự sử và thằng khùng xác nhận sau.

Nói chung thì biệt hiệu có thể hàm ý khen ngợi hoàn toàn, mà cũng có thể hàm ý chê bai, hoặc có thể chứa đựng chê bai trong tiếng khen.

Vua Louis IX trị vì ở Pháp từ 1226 đến 1270 đã được gọi tên Saint Lois tức là thánh Louis; vua Louis XIV trị vì từ 1661 đến 1715 thì được gọi là le Grand tức là Vĩ đại; trong khi đó vua Charles vì mắc bịnh điên nên được gọi là le Fol tức là Ðiên cuồng; vua Công tước Charles trị vì ở xứ Bourgogne từ 1467 đến 1477 thì được gọi là le Téméraire tức là Liều lĩnh, biệt hiệu này hàm ý khen nhà lãnh đạo can đảm nhưng cũng đồng thời hàm ý chê ông ta là hành động táo bạo thiếu suy tính.

Ở Trung quốc thì các vua nhà Tần tự gọi là Tần Thủy Hoàng tức là vua đầu nhà Tần hay Tần I, Tần Nhị Thế tức là vua thứ nhì nhà Tần hay Tần II. Lối gọi này cũng giống như lối gọi các nhà vua Tây phương gốc Âu bằng tên và một số thứ tự.

Tuy nhiên, nó chỉ được áp dụng dưới nhà Tần, các triều đại khác thì theo đúng thủ tục cử tên và đặt cho mỗi nhà vua một niên hiệu dùng để nhơn dân gọi lúc nhà vua này đang trị vì; và một miếu hiệu dùng để thờ cúng lúc nhà vua quá vãng. Miếu hiệu thường nêu đức tánh hay công nghiệp, thành tích nổi bậc tốt hoặc xấu của nhà lãnh đạo nên phần nào giống biệt hiệu nhưng có tánh cách trang trọng hơn.

C. Vị trí tương đối các tên và họ.

Ở Trung quốc, cho đến hết đời phong kiến, họ loại tánh còn được dùng cho phụ nữ. Ta được biết rằng thời cổ, các nhà lãnh đạo nước Tô có họ loại tánh là Kỷ, các nhà lãnh đạo đất Bao hay Bảo có họ loại tánh là Tự.

Ðến đời phong kiến, vương thất nhà Châu và công tộc các nước Lỗ, Ngô, Tấn, Thái, Trịnh, Vệ có họ loại tánh là Cơ; công tộc nước Tề có họ loại tánh là Khương; công tộc nước Tống có họ loại tánh là Tử; công tộc nước Trần có họ loại tánh là Vĩ; công tộc nước Tần có họ loại tánh là Doanh; công tộc nước Ðịch có họ loại tánh là Ngỡi.

Các phụ nữ gốc ở các nước trên đây đều đã được gọi bằng họ loại tánh của gia tộc mình và họ này có thể chỉ được dùng với tên, hoặc dùng cả với họ loại thị của gia tộc mình hay họ loại thị của nhà chồng, nhưng trong mọi trường hợp, họ loại tánh đều được đặt sau cùng.

1. Danh hiệu gồm tên và họ loại tánh.

Về việc dùng một danh hiệu gồm tên và họ loại tánh, ta có thể kể:

  • Người phụ nữ được nhà lãnh đạo đất Tô là Tô Hộ dâng cho vua Trụ làm vợ là Ðắc Kỷ.
  • Các bà phu nhơn người nước Tề như Trang Khương, vợ Vệ Trang Công; Tuyên Khương, vợ Vệ Tuyên Công; Vân Khương, vợ Lỗ Hoàn Công; Ai Khương và Thúc Khương, vợ Lỗ Trang Công.
  • Các bà phu nhơn người nước Tần như Cát Doanh, vợ Tề Hoàn Công và Hoài Doanh, vợ Tấn Văn Công.
  • Phu nhơn của vua Tần Mục Công là con của Tấn Hiến Công và được gọi là Bá Cơ hay Mục Cơ.
  •  
  • Hai bà vợ mà Tấn Văn Công và Triệu Thôi cưới ở nước Ðịch là Quí Ngỡi và Thúc Ngỡi.

·  2. Danh hiệu gồm họ loại thị và họ loại tánh.

Người ta có thể dùng họ loại thị của chồng và họ loại tánh của vợ, như người phụ nữ đất Bao làm cho Châu U Vương mê say được gọi là Bao Tự, và phu nhơn của Tức Hầu vốn là người nước Trần nên được gọi là Tức Vĩ.

Mặt khác, người ta có thể dùng họ loại thị của gia tộc người phụ nữ ghép với họ loại tánh của bà để gọi bà. Ðó là trường hợp mấy bà vợ của Tề Hoàn Công: con gái của vua nhà Châu được gọi là Vương Cơ, hai con gái của vua nước Vệ đều được gọi là Vệ Cơ, con gái của vua nước Trịnh được gọi là Trịnh Cơ, con gái của vua nước Thái được gọi là Thái Cơ.

3. Danh hiệu gồm cả tên họ loại thị và họ loại tánh.

Người ta cũng có thể dùng cả tên họ loại thị của chồng hay của vợ và họ loại tánh để gọi một phụ nữ. Trong trường hợp này, họ loại thị được đặt trước hết, kế đó là tên và sau hết là họ loại tánh. Ta có thể kể trường hợp Vệ Tuyên Khương là con gái Tề Hy Công gả cho Vệ Tuyên Công, người vợ nước Tống của vua Tề Hoàn Công được gọi là Tống Hoa Tử.

Ngoài ra, còn có bà vợ của vua Lỗ Chiêu Công vốn là người nước Ngô và đáng lẽ phải được gọi là Ngô Mạnh Cơ nhưng vì sợ người ta chỉ trích mình là cưới người đồng tánh làm vợ nên được ông gọi là Ngô Mạnh Tử.

Từ thế kỷ thứ 3 trước CN, sự phân biệt họ loại tánh và họ loại thị không còn nữa, và tất cả các họ được dùng đều được đặt trước tên người.

Người Tây phương gốc Âu có thể đặt họ trước tên sau khi thành lập một bản danh sách gồm nhiều người. Nhưng trong các văn kiện hay trong việc xưng hô hàng ngày đối với một cá nhơn, họ lại đặt tên trước họ sau.

Riêng người Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha lại có tục dùng cả họ cha và mẹ của mình. Họ cha được đặt sau tên nhưng trước họ mẹ, và giữa họ cha và họ mẹ, người Tây Ban Nha thường để chữ y còn người Bồ Ðào Nha thì để chữ e, cả hai chữ y và e này đều có nghĩa là và.

Nhà lãnh tụ cộng sản nước Nicaragua được báo chí thế giới gọi là Daniel Ortega Saavedra. Ðiều này có nghĩa là ông ta tên Daniel, còn Ortega là họ cha và Saavedra là họ mẹ. Nhà lãnh đạo Công giáo Nicaragua đối lập với chánh quyền cộng sản là Ðức hồng y Miguel Obando y Bravo. Ðiều này có nghĩa là ông tên Miguel và họ cha là Obando, họ mẹ là Bravo.

Vì người Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha cùng theo chế độ phụ hệ như mọi giống dân Tây phương gốc Âu khác nên họ thật sự được dùng là họ cha và nhà lãnh tụ cộng sản Nicaragua có thể được gọi tắt là ông Ortega, và nhà lãnh đạo Công giáo đối lập với ông ta có thể được gọi tắt là Ðức hồng y Obando.

Người Việt Nam vốn bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nên cũng theo lối người Trung Hoa đặt họ trước tên sau. Bởi đó, khi ra ngoại quốc và phải điền tên họ vào một văn kiện, họ thường bị bỡ ngỡ.

Trong ngôn ngữ Pháp, danh từ "nom" mà người Việt Nam thông dịch là tên thật sự dùng để chỉ họ. Vì người Pháp cũng như người Tây phương gốc Âu khác đặt tên trước họ, mà một người Pháp đồng thời có nhiều tên chánh nên trong ngôn ngữ Pháp, tên được gọi là "prénom" (nghĩa đen là tên đặt trước họ) và trong các mẫu văn kiện họ lại để chữ "prénoms" có chữ s sau cùng để chỉ số nhiều.

Người Việt Nam vốn hiểu "nom" là tên, mà theo thông tục Việt Nam, họ được đặt trước tên, nên người Việt Nam thường hiểu lầm "prénoms" là họ, mặc dầu có khi thắc mắc vì sao chữ "prénoms" lại có chữ s để chỉ số nhiều.. Những người biết rõ "nom" là họ và "prénoms" là tên thì ngần ngại không biết điền chữ lót của mình ở chỗ nào.

Những người Việt Nam nhập Pháp tịch trước đây thường dùng cả tên họ mình làm họ, và theo luật của người Pháp thêm vào trước đó tên một vị thánh chủ trì một ngày trong dương lịch. Do đó, cha con anh em một nhà đều mang một tên Việt Nam như nhau nhưng phân biệt nhau với các tên của vị thánh đó. Như gia đình bác sĩ Trần Văn Ðôn chẳng hạn đã lấy tên họ này làm họ khi nhập Pháp tịch và hai con của bác sĩ đã mang tên là André Trần Văn Ðôn và Robert Trần Văn Ðôn.

Như trên đây đã nói, con của vua Duy Tân đã được viên chức hộ tịch Pháp lấy tên của ông là Vĩnh San làm họ và thêm vào đó tên Georges của Pháp.

Phần người Mỹ thì không bắt buộc người nhập tịch hay nhập cư lấy một tên thông dụng của người Tây phương gốc Âu, nhưng bắt buộc họ phải theo đúng thứ tự tên họ áp dụng tại nước Mỹ.

Thông tục Mỹ là đặt tên chánh quan trọng nhứt trên hết và gọi nó là First name, theo nghĩa đen là tên thứ nhứt; kế đó đến tên thứ nhì gọi là Middle name, theo nghĩa đen là tên giữa, có khi được gọi là Initial tức là tên viết tắt vì thường được viết tắt với một chữ đầu mà thôi; sau hết là họ được gọi là Last name, theo nghĩa đen là tên chót.

Người Việt Nam vốn đặt tên trước họ sau nên rất bỡ ngỡ khi phải hiểu First name tức là tên thứ nhứt là tên và Last name tức là tên chót là họ, vì theo thông tục Việt Nam, tên thứ nhứt chánh là họ và tên chót mới là tên.

Khi điền tên họ vào một văn kiện chánh thức, người Việt Nam ngụ cư ở Mỹ dĩ nhiên là phải theo đúng qui tắc Mỹ, nhưng đối với các văn kiện không có tánh cách công, họ có khi theo lối Mỹ có khi lại theo lối Việt Nam, kết quả là khi người mang một tên trùng với một họ, người đọc danh sách không thể biết được cái nào là họ cái nào là tên. Như trong một danh sách làm ở Mỹ có tên Ðào Văn Lâm, người đọc rất phân vân không rõ người này thật sự tên Ðào họ Lâm hay tên Lâm họ Ðào.

D. Vấn đề đổi tên họ.

1. Lý do chung làm cho người Tây phương gốc Âu và người Trung Hoa cùng người Việt Nam đổi họ.

Việc đổi tên họ đều có xảy ra ở các nước Tây phương gốc Âu, ở Trung quốc và ở Việt Nam. Lý do chung cho tất cả các nước về vấn đề này là người cần trốn lánh một kẻ địch nguy hiểm.

Người Tây phương gốc Âu tham dự cuộc kháng chiến chống Ðức hay Nhựt thường có một bí danh hay một chiến danh (nom de guerre) y như người Trung quốc hay người Việt Nam bị chánh quyền mà họ chống đối truy nã hay muốn hoạt động cách mạng.

Phía người Pháp, ta có thể kể trường hợp đại tá Philippe de Hauteclocque, đã lấy chiến danh Leclerc và sau Thế chiến thứ Nhì đã được biết nhiều hơn dưới tên này. Một trường hợp đáng kể thứ nhì là trường hợp ông ? đã lấy bí danh là Sainteny khi hoạt động chống Nhựt ở Ðông Dương.

Một chuyện lý thú là Sơ ước ngày 6 tháng 3 năm 1946 giữa Pháp với Việt Nam được ba người đại diện ký với tên giả chớ không phải tên thật. Ðó là Sainteny về phía Pháp và Hồ Chí Minh với Vũ Hồng Khanh về phía Việt Nam.

2. Sự dị biệt trong nguyên nhơn và cách thức đổi tên họ ở các nước Tây phương gốc Âu và ở Trung quốc cùng Việt Nam.

Ngoài ra, cũng có những trường hợp đổi họ với những nguyên nhơn và cách thức khác nhau ở các nước Tây phương gốc Âu một bên và Trung quốc với Việt Nam một bên.

Người Tây phương gốc Âu thường không cần phải đổi tên, nhưng có khi phải đổi họ vì họ này có một ý nghĩa xấu xa thành ra người mang nó bị người khác chế giễu châm biếm không chịu được. Ðó là một sự tự nguyện đổi họ; và muốn thực hiện việc này, người thường phải xin một Tòa án ra một phán quyết cho các viên chức hộ tịch thi hành.

Người Trung Hoa và người Việt Nam cũng có thể tự nguyện đổi tên và đổi họ vì cho là tên cũ không mang vận hội tốt đến cho mình hay vì mến phục một nhơn vật khác. Nhưng mặt khác, họ thường khi bắt buộc phải đổi tên họ để tránh tỵ húy, hay đổi tên họ vì quyết định của cấp trên, đặc biệt là của nhà vua. Dầu tự nguyện đổi tên và đổi họ hay bị bắt buộc phải đổi, người Trung quốc và người Việt Nam trước đây đều khỏi phải qua một thủ tục tư pháp như người Tây phương gốc Âu.

Tuy nhiên, sau này, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng văn hóa người Tây phương gốc Âu và khi muốn đổi tên họ, người ta phải xin một Tòa án quyết định.

Ð. Cách xưng hô của người Tây phương gốc Âu và người Trung Hoa cùng người Việt Nam.

Người Tây phương gốc Âu và người Trung Hoa có chỗ giống nhau là thường gọi nhau bằng họ như Monsieur Dubois, Mister Smith hay Trần tiên sinh. Riêng người Tây phương gốc Âu thì có thể gọi người khác bằng tên, nhưng họ chỉ làm như vậy đối với các bạn thân gọi nhau bằng mày tao được.

Người Việt Nam trái lại thường dùng tên nhiều hơn họ. Chỉ đối với một số ít nhơn vật ở chức vụ cao và được trọng vọng, người Việt Nam mới đặc biệt dùng họ để gọi. Như ông Ngô Ðình Diệm trước đây đã được gọi là Ngô Tổng Thống. Ðối với ông Nguyễn Văn Thiệu, tuy cũng làm tổng thống nhưng ít được kính trọng hơn, người ta vẫn gọi là Tổng thống Thiệu chớ không gọi là Nguyễn Tổng Thống.

Ðây có thể là một di tích của chế độ mẫu hệ xưa kia, tuy đã bị văn hóa phụ hệ từ Trung quốc du nhập đè bẹp, nhưng vẫn còn tiềm tàng trong tri thức của người Việt Nam làm cho họ có một số thái độ trái ngược với người Trung Hoa.

Ảnh hưởng còn sót của văn hóa mẫu hệ đối với người Việt Nam lại còn rõ rệt hơn nếu chúng ta xét cách người Việt Nam dùng tên họ cho phụ nữ có chồng so với người Tây phương gốc Âu và người Trung Hoa.

Người Tây phương gốc Âu thường gọi một phụ nữ có chồng bằng tên của người ấy kèm với họ của chồng. Dầu có ly dị hay trở thành quả phụ, người phụ nữ có chồng nếu không cải giá vẫn giữ luôn họ của người chồng, chỉ trừ trường hợp tái giá mới lấy họ của chồng sau. Như cô Jacqueline Bouvier khi thành hôn với Tổng Thống Kennedy thì đã trở thành bà Jacqueline Kennedy rồi khi tái giá với ông Onassis lại được gọi là bà Jacqueline Onassis.

Lề lối của người Tây phương áp dụng rất bất tiện cho người phụ nữ có những hoạt động hay nghề nghiệp riêng cho mình, vì phải đổi họ mỗi khi có chồng và các giấy tờ liên hệ đến mình nhiều khi phải cần điều chỉnh lại, hay ít nhứt cũng phải có sự giải thích khi được đem ra dùng.

Người Trung Hoa đã có một lề lối khác để gọi người phụ nữ có chồng. Họ gọi người này bằng họ của chồng kèm theo từ ngữ phu nhơn, hoặc gọi bằng họ gốc của người phụ nữ nhưng thên chữ thị trước từ ngữ phu nhơn. Như người thiếu nữ họ Lâm có chồng họ Dương thì được gọi là Dương phu nhơn hay Lâm thị phu nhơn. Trong mọi trường hợp, tên riêng của người phụ nữ ít khi được nhắc đến.

Người Việt Nam trước đây cũng theo lề lối Trung Hoa, nhưng sau này đã có một giải pháp rất đặc biệt. Người đàn bà có chồng ở Việt Nam có thể được gọi bằng cả tên họ riêng của mình hay cả tên họ của chồng. Như cô Trần Lệ Xuân thành hôn với ông Ngô Ðình Nhu thì được gọi là bà Ngô Ðình Nhu hay bà Trần Lệ Xuân.

Lề lối mà người Việt Nam áp dụng để gọi người phụ nữ có chồng rất thuận lợi cho những vị có hoạt động hay nghề nghiệp riêng. Vì giữ được trọn vẹn tên họ gốc của mình, người phụ nữ Việt Nam có chồng có thể có những văn kiện chánh thức mang một tên họ đồng nhứt trong mọi giai đoạn và không gặp trở ngại gì, hoặc không phải giải thích gì khi dùng các văn kiện đó.

Một số phụ nữ ở các nước Tây phương gốc Âu, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, đang tìm cách đòi hỏi cho họ quyền dùng cả tên họ riêng của mình ngay sau khi có chồng.

Với bộ Quốc Triều Hình Luật, tức là bộ luật của nhà Lê, tục danh là luật Hồng Ðức, dân tộc Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp rất tân tiến đối với phụ nữ, các biện pháp này nói chung đều có tánh cách bảo vệ nữ quyền nhiều hơn luật pháp đồng thời của các nước khác, kể cả các nước Tây phương gốc Âu.

Với việc dùng tên họ cho người phụ nữ có chồng như hiện nay, dân tộc Việt Nam lại xác nhận thêm tánh cách tân tiến của mình về vấn đề này so với các dân tộc khác.

Người đăng: admin